Đoàn chúng tôi đành phải gom góp tiền để trả cho những người bán hàng này cho qua chuyện. Thế là chuyến đi chơi đã không thể trọn vẹn. Có một anh thề sẽ không bao giờ quay lại Sầm Sơn một lần nữa. Tôi không biết anh ấy có vi phạm lời thề lần nào không. Sau này khi đi học, đi làm, tôi cũng đã chứng kiến nhiều pha chặt chém kinh hoàng mà đôi khi phải cố hết sức bình tĩnh mới có thể tránh xảy ra những xô xát đáng tiếc.
Mấy năm gần đây, do công việc nên tôi thường tham gia vào các diễn đàn du lịch và quan tâm hơn tới các thông tin của lĩnh vực này. Cứ mỗi khi vào mùa du lịch, lại có hàng loạt bài trên báo chí viết về nạn chặt chém. Từ Sầm Sơn tới Phú Quốc, từ Đồ Sơn tới miền Tây, từ Sapa tới Vũng Tàu... đâu đâu cũng rộ lên phong trào "mài dao chín tháng, chém ba tháng". Không chỉ có vậy, thứ tệ nạn này mỗi ngày lại biến tướng ra một kiểu tinh vi hơn và khách hàng không còn cách nào khác là móc tiền ra trả gấp ba, bốn lần thậm chí tới hàng chục lần giá trị thực tế mà mình đã sử dụng. Tôi có trao đổi với một vài vị có trách nhiệm về vấn đề này và thường nhận được cái chép miệng thở dài: "Đã làm nhiều cách rồi nhưng cứ cấm hôm nay thì mai nó lại mọc ra cái khác". Không lẽ chúng ta lại đầu hàng vấn nạn này? Cách thức giải quyết vấn đề duy nhất của chính quyền là phạt. Mức phạt thì tùy theo vụ việc và địa phương, nhưng dao động từ 5 triệu đến 20 triệu đồng. Sau mỗi lần phạt thì mức độ tái phạm lại cao hơn và thủ đoạn cũng tinh vi hơn.
Ở các nước có nhiều du khách quốc tế như Thái Lan, Singapore trước đây cũng gặp phải chuyện này, nhưng bây giờ, họ đã giải quyết hoàn toàn tệ nạn chặt chém. Cách làm của họ khá đơn giản nhưng rất chặt chẽ. Trước hết, họ yêu cầu những đơn vị đăng ký kinh doanh tại các điểm du lịch phải kê khai chi tiết tên tuổi, loại hình kinh doanh và thông báo giá các sản phẩm dịch vụ theo thời kỳ để được cấp giấy phép hành nghề. Sẽ có một đơn vị chuyên môn của chính quyền đứng ra thu thập toàn bộ thông tin này và xem xét cấp phép cho các đơn vị hoặc cá nhân kinh doanh du lịch. Sau đó, họ công bố danh sách những điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Cơ quan quản lý du lịch sẽ thông báo danh sách này để các hãng lữ hành và khách hàng nắm rõ mỗi khi dùng dịch vụ hay sản phẩm tại đó. Biện pháp này giúp ngăn chặn các hành vi nâng giá dịch vụ hay sản phẩm của các cơ sở kinh doanh du lịch. Về mặt chế tài, nếu các đơn vị vi phạm thì mức phạt sẽ rất nặng, thường là phạt tiền và cấm hành nghề trong nhiều năm. Ở mức độ nặng hơn, những đơn vị hay cá nhân nâng giá vô tội vạ có thể bị truy tố vì tội lừa đảo.
Báo chí nói chung và báo chí ngành du lịch nói riêng được phép tiếp cận thông tin đầy đủ để tránh tình trạng đơn vị chuyên môn kia có thể bao che cho các cơ sở vi phạm. Chính vì thế, hiếm có cơ sở du lịch nào có thể chặt chém du khách. Mặt khác, khách du lịch thường được nhắc nhở việc quan tâm tới các thông tin này nên họ cảm thấy rất thoải mái khi dùng dịch vụ. Họ biết rằng không thể bị lừa và luôn luôn được Nhà nước bảo vệ.
Những biện pháp này tôi cho rằng hoàn toàn khả thi khi áp dụng cho nước ta. Tuy nhiên, cách xử lý của ngành du lịch nước ta hoàn toàn thụ động. Thường là sau khi sự việc được du khách hay báo chí phản ánh, thì các cơ quan chức năng mới có mặt để xử phạt theo kiểu “vuốt đuôi”. Chúng ta đang xây dựng những mục tiêu vĩ mô cho ngành du lịch, nhưng dường như những chuyện như chặt chém lại ít được quan tâm để giải quyết một cách triệt để. Vì vậy, du khách cứ một đi không trở lại, và rồi ngành du lịch cứ loay hoay mãi trong những mục tiêu của mình. Trong khi đó, các nước bạn đã tiến rất xa, trở thành những điểm đến toàn cầu, dù rằng điều kiện tự nhiên của họ chưa chắc đã tốt hơn Việt Nam.
Tôi nghĩ, đã đến lúc Nhà nước cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp tương tự các nước đã áp dụng để giải quyết nạn chặt chém. Du khách không thể yên tâm đi chơi và tiêu tiền khi luôn trong trạng thái lo sợ bị móc túi bằng những chiêu chặt chém mà họ không thể ngờ tới.
Lê Tư