Đó có thể là một chi tiết nói lên rằng người hâm mộ tin tưởng lâu dài ở những chàng trai non trẻ của mình. Có thể thôi, hoặc là tôi hy vọng thế, bởi vì sau trận đấu, đi dọc những tuyến đường quanh Mỹ Đình (Hà Nội), lại thấy một cảnh tượng quen thuộc sau mỗi trận thua của bóng đá Việt Nam: những cờ, phướn, biểu ngữ vứt rải rác. Những cái băng-đô “Việt Nam vô địch” nằm lay lắt trên vỉa hè, dưới lòng đường.
Tôi nhìn cái cảnh tượng quen thuộc ấy và nghĩ đến những người phe vé. Hình như chính khán giả cũng đi “phe”. Nhưng không phải phe vé, mà là phe hy vọng của bản thân mình. Họ “đầu cơ” rất nhiều hy vọng vào một trận đấu, mà những cái băng-đô “Việt Nam vô địch” ấy là biểu hiện. Rồi cũng giống như một cuộc đầu cơ vé xem bóng đá, nếu mọi chuyện không diễn ra như ý muốn, chúng trở nên vô giá trị và bị vứt bỏ.
Rất nhiều người sẽ nói với tôi rằng họ phải “đầu cơ” niềm tin và hy vọng vào một trận đấu, là bởi bức tranh toàn cảnh không cho phép họ hy vọng. Bán độ tràn lan, bạo lực tràn lan, các ông bầu và nhà quản lý làm bóng đá theo những cách rất khôi hài. Không đầu cơ vào một trận U19 hiếm hoi đáng tin tưởng thì biết tin vào cái gì bây giờ?
Nếu đó đơn thuần là cách thưởng thức bóng đá của các cổ động viên thì tôi không dám lạm bàn. Nhưng nếu đó là thái độ của những công dân cần phải có trách nhiệm trước một nền thể thao thì quả nhiên là có vấn đề.
Nếu chính những chủ nhân, những người nắm quyền lực (về lý thuyết) cũng đi “phe” hy vọng vào một sự kiện mang tính thời điểm thì động lực phát triển ở đâu ra? Hiện tượng U19 hôm nay có thể trở thành một cú “áp-phe” đơn lẻ nếu chuyện mãi chỉ là của riêng Hoàng Anh Gia Lai.
Về lý thuyết, mỗi người trong số chúng ta có trách nhiệm với sự phát triển của thể thao hay bất kỳ lĩnh vực nào của đất nước – chúng ta không phải là những người đứng ngoài cuộc ngó vào. Một ông tổ trưởng dân phố có khả năng giúp tìm không gian cho các cháu phát triển thể thao phong trào, một vị phụ huynh có trách nhiệm giúp con mình cân đối phát triển thể chất và trí tuệ, một nhà giáo dục tất nhiên có trách nhiệm khuyến khích học sinh dù chỉ là cổ vũ bóng đá “sạch”, một thương gia có trách nhiệm khi tham gia vào việc xã hội hóa bóng đá... Lĩnh vực nào cũng vậy cả, cần cả một hệ thống tiến lên chứ không thể trông vào các cú áp-phe.
Những chiếc băng-đô vứt đầy quanh sân Mỹ Đình sau trận dường như là kết quả của một tâm lý phụ thuộc khách quan. Ta trông chờ khách quan, khách quan tốt đẹp thì ta vui mừng, khách quan không đẹp nữa thì ta thở dài chán nản và từ bỏ hy vọng. Chuyện lúc nào cũng là của ông Đoàn Nguyên Đức, cậu Công Phượng, ông Lê Hùng Dũng hay một cá nhân nào đó.
Đó không chỉ là điều xảy ra với bóng đá. Chúng ta “phe” niềm tin trong rất nhiều lĩnh vực, thường xuyên đặt cái gánh nặng “thay đổi thực tế” lên thiểu số con người. Trong nghiên cứu khoa học, trong quản lý nhà nước, cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện một Công Phượng, trở thành đối tượng “bị” đầu cơ toàn bộ hy vọng của xã hội.
Khi chúng ta “phe” hy vọng nhân một sự kiện, sự xuất hiện của một cá nhân, thì lúc đó, toàn bộ hệ thống, toàn bộ bức tranh toàn cảnh đã bỏ quên. Nếu chúng ta cứ “phe” và chỉ trông vào các “áp-phe” đơn lẻ thì kết cục sẽ chỉ là những tiếng vỗ tay chầu rìa hoặc sự vùi dập hắt hủi niềm tin.
Đức Hoàng