Thông tin khiến tôi đặc biệt lo ngại là nguồn phóng xạ được xác định còn tồn tại trong nhà máy vào thời điểm cuối cùng từ cuối 2014. Từ tháng 1/2015, nguồn phóng xạ này không được quản lý. Như vậy, đến nay nó đã bị mất kiểm soát hơn ba tháng.
Vật liệu phóng xạ khá “nổi tiếng” về mức độ nguy hiểm và sẽ tạo ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng một khi chúng bị “lưu lạc trong dân gian”. Năm 2011, khi xảy ra thảm họa Fukushima I, xuất phát từ trận động đất Tohoku kinh hoàng ở Nhật Bản, tôi đang làm việc ở thành phố Nagoya, nơi cách trung tâm thảm họa khoảng 600 km. Người nhà lúc bấy giờ rất lo lắng cho sức khỏe của tôi dù tôi đã trấn an rằng với khoảng cách đó, sức ảnh hưởng từ thảm họa là rất nhỏ. Như vậy kể cả những người Việt Nam không có nhiều kiến thức chuyên môn như gia đình tôi cũng đều biết và sợ hãi trước tác động của phóng xạ từ các vật liệu hạt nhân.
Trong khi đó, điều nghịch lý là những người làm việc trực tiếp hoặc có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng, quản lý các hóa chất nguy hại này lại không ý thức hoặc không tuân thủ một cách đầy đủ các quy định về an toàn lao động. Là người trong nghề, cá nhân tôi cũng từng hồn nhiên mắc sai sót.
10 năm trước, khi còn làm việc tại Việt Nam, tôi và các đồng nghiệp khác từng vô tư đổ thẳng hóa chất dùng cho các thí nghiệm vào đường nước thải chung. Tôi chỉ ý thức được những tác hại của việc mình đã làm sau khi rời khỏi Việt Nam, trải qua các khóa đào tạo an toàn bắt buộc ở nước ngoài. Đến nay, đồng nghiệp của tôi chia sẻ, tình trạng này vẫn tồn tại ở nhiều phòng thí nghiệm thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam. Một số loại hóa chất vẫn được đổ thẳng vào nguồn nước thải chung; nhiều tủ hút hóa chất vẫn hút hơi hóa chất bằng quạt hút gió không qua các bộ lọc và xử lý, thổi thẳng lên trời - nghĩa là không chỉ ô nhiễm đường nước, mà còn gây cả ô nhiễm không khí.
Tâm lý sử dụng hóa chất tùy tiện, không tuân thủ các quy định an toàn xảy ra phổ biến, từ những người được đào tạo cao đến công nhân trong các nhà máy. Bạn tôi làm quản lý cho một nhà máy sản xuất của Nhật Bản đóng tại Hải Phòng thường kể rằng ông chủ và các kỹ sư Nhật Bản rất khó chịu với thói tùy tiện của công nhân Việt Nam. Công việc yêu cầu họ tuân thủ các quy trình công nghiệp một cách nghiêm túc và điều này khá dễ dàng, nhưng rất nhiều công nhân thường làm sai, tự động bỏ quy trình vì tâm lý coi thường những điều bình thường nhất, dẫn đến nhiều sai hỏng cho sản xuất.
Trở lại với việc mất nguồn Cobalt-60, tôi biết đây không phải là trường hợp thất lạc các vật liệu hạt nhân xảy ra lần đầu tiên ở Việt Nam. Việc nguồn phóng xạ "mất tích” tới vài tháng mà không có một tung tích nào trong hồ sơ bảo quản, xuất nhập của đơn vị sử dụng cho thấy sự cẩu thả của các cá nhân có liên quan. Trong tương lai, nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng và vận hành ở nước ta, nếu chỉ một thao thác tùy tiện sai quy tắc, hay vô trách nhiệm như việc bảo quản nguồn phóng xạ ở Bà Rịa - Vũng Tàu nêu trên, hậu quả khủng khiếp chắc không cần mô tả. Có những việc sai có thể sửa chữa, nhưng có những sai lầm không thể sửa chữa nổi.
”Mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng thà muộn còn hơn không, từ sự cố Cobalt-60, tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần ban hành các bộ quy tắc nghiêm ngặt về việc sử dụng, vận chuyển và thải các vật liệu nguy hiểm (phóng xạ, hóa chất nguy hiểm…) nhằm giảm thiểu việc thất thoát. Quy trình này bao gồm nhiều việc như: dán nhãn nguy hiểm rõ ràng để bất kỳ ai cũng hiểu và không động chạm đến vật liệu phóng xạ; tạo hồ sơ, nhật ký theo dõi một cách chặt chẽ việc sử dụng và vận chuyển; xây dựng kho chứa, bảo quản đúng quy cách an toàn...
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Vì vậy, các quy tắc cần bao gồm cả việc đào tạo cho những người liên quan trực tiếp (vận chuyển, sử dụng, bảo quản) hiểu một cách nghiêm túc sự nguy hiểm và tầm quan trọng của việc sử dụng và bảo vệ các vật liệu một cách an toàn. Bên cạnh đó còn là quy định về xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu một khi xảy ra sự thất thoát, ô nhiễm từ các vật liệu nguy hiểm.
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, nếu được cảnh báo đầy đủ về sự nguy hiểm của nguồn phóng xạ (đối với bản thân và cộng đồng) một khi nó bị thất lạc, họ sẽ tự động tuân thủ các quy tắc an toàn một cách nghiêm ngặt.
Ngô Đức Thế