Tuy nhiên, để có thêm nguồn lực cho ngư dân, cảnh sát biển, ông đề nghị, Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ luật thu chi ngân sách, từ trung ương đến địa phương. Theo đại biểu Đương, các địa phương cần tạm dừng những dự án chưa thực sự bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. "Nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài. Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống tôi sẽ không đi nước ngoài nữa", ông Đương thẳng thắn nói.
Lời hứa chân thành của vị đại biểu TP HCM đã nhận được sự ủng hộ của nghị trường khi ở nhiều hàng ghế ngồi xuất hiện những động thái sẻ chia, tán đồng dễ thấy. Sau đó, đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng 16.000 tỷ đồng dành riêng cho biển đảo là chưa đủ và đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại.
Tôi nhớ tại một phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch công tác năm 2014 hồi nào, Thủ tướng đã cảnh báo một vấn đề tưởng như bình thường mà thực ra, nó cũng đã trở thành "chứng bệnh" gây tốn kém ngân sách: Đó là hiện tượng chi phí không hiệu quả trong nhiều chuyến công tác nước ngoài của cán bộ Nhà nước.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, nếu năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài thì năm 2013, dù có giảm nhưng vẫn có hơn 3.200 đoàn xuất ngoại. Như vậy, tính ra thì mỗi ngày đã có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.
Theo ông Minh, vấn đề ở chỗ có một số đoàn đi không hiệu quả và bị trùng lặp nội dung mà đến mức, nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "thấy xấu hổ khi có quá nhiều đoàn Việt Nam sang nước bạn công tác nhưng trùng lặp nội dung nghiên cứu, trao đổi, gây tốn kém và lãng phí ngân sách".
Đã tới lúc cần cảnh báo và có giải pháp quyết liệt hầu ngăn ngừa hiện tượng trên. Và chỉ có sự siết lại của cơ quan quản lý, của nơi cấp ngân sách và quyết toán, chúng ta mới có thể hạn chế sự lãng phí không đáng có kiểu như ví dụ tôi vừa nêu.
Mới đây, tại Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng có đề ra sáng kiến cán bộ có tiêu chuẩn đi công tác bằng máy bay dù ở cấp nào cũng đều đi máy bay giá rẻ nếu có tuyến bay, và cho dù ở cấp Thứ, Bộ trưởng thì cũng không ngồi hạng C.
Điều đó, theo tôi nó còn thiết thực gấp trăm nghìn lần chúng ta lâu nay phát động học tập tư tưởng - những việc rất trừu tượng. Nếu kinh tế đất nước còn khó khăn thì rõ ràng tiết kiệm cũng là một cách góp phần hạn chế sự sụt giảm về tăng trưởng, xét ở nhiều khía cạnh.
Hãy nhớ rằng, năm tài chính 2014 này bức tranh kinh tế của nước nhà cũng chưa thấy có tín hiệu sáng sủa, những căng thẳng ngoài Biển Đông đang ẩn chứa những tác động khó lường tới tăng trưởng kinh tế. Như vậy, tiết kiệm vẫn là Quốc sách để vượt qua khó khăn, thử thách và ít ra thì cũng giúp cho đất nước xử lý một công việc hiện hữu bức thiết.
Quốc Phong