Câu chuyện này phản ánh thực tế việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam: rất ít chương trình giáo dục chính thống của Việt Nam biết được mình đang sử dụng chuẩn ngoại ngữ nào. Từ đào tạo tiểu học, trung học, cho tới đại học, cả giáo viên và học sinh đều học tiếng Anh một cách tương đối tự phát.
Hiện tại, giáo trình và các chương trình giảng dạy tiếng Anh mới, tiên tiến trên thị trường thường theo chuẩn Anh - Anh. Còn trong các bộ phim Hollywood hoặc các kênh truyền hình như CNN, người ta bắt gặp tiếng Anh kiểu Anh - Mỹ. Trong khi đó, phần lớn giáo viên ngoại ngữ ở ta được đào tạo trong môi trường cũ, không theo chuẩn nào cả. Vì thế, họ thực sự bối rối trước những đòi hỏi mới từ học sinh. Một người bạn của tôi, dạy tiếng Anh ở tỉnh đã 15 năm, giờ đang hối hả đi học tiếng Anh bằng B1, B2. Bạn bảo, học để lấy chứng chỉ theo yêu cầu thôi, chứ cách phát âm, cách nói đến nay không sửa được nữa.
Vì không chọn chuẩn Anh - Anh hoặc Anh - Mỹ, người Việt Nam thường sử dụng Ving-lish - tiếng Anh kiểu Việt Nam. Thứ tiếng Anh này phổ biến trong cộng đồng giáo viên, học sinh, dễ hiểu với người Việt, nhưng rất khó hiểu với người nước ngoài. Ở mặt ngược lại, do quá quen với Ving-lish, phần lớn người Việt Nam gặp khó khăn khi nghe và hiểu tiếng Anh chuẩn của nước ngoài.
Bản thân tôi là một ví dụ. Kể cả sau khi đạt điểm nghe gần tuyệt đối (29/30) trong kỳ thi trước khi sang Mỹ, khi tới nơi, tôi thật sự choáng ngợp bởi sự khác biệt giữa cách nói của mình và người bản địa. Trong một tháng đầu, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp với người Mỹ, khi nghe giảng bài trên lớp và khi tham gia thảo luận nhóm cùng sinh viên bản ngữ. Lý do là sự khác biệt rất lớn trong cách phát âm, nhấn trọng âm, ngữ điệu và tốc độ giữa tôi và người Mỹ. Điều này khiến tôi phải vật lộn với bài vở trên lớp trong một thời gian tương đối dài.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc nghe, đôi lúc, cách nói Ving-lish của tôi cũng tạo ra những tình huống khó xử. 7 ngày sau khi đến Mỹ, tôi làm quen với Ahmed, một người bạn cùng lớp - giờ đang là giáo sư tại Mỹ - tôi hỏi cậu: "Ahmed, how old are you?", cậu ta trả lời: “I am fine, thanks, and you?”. Tôi hỏi lại: “How old are you?” cậu ta lại trả lời: “I am fine, thanks”. Sau một hồi giải thích, cậu bạn mới nói: “Quang, you have to say 'how OLD are you?', with a clear 'old”. Đó là một kỷ niệm nhớ đời của tôi.
Những lỗi cơ bản tôi từng mắc phải cũng là những nhược điểm của người Việt khi phát âm tiếng Anh. Nó bắt nguồn từ sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ: trọng âm từ, một số âm cuối, cách nói đều đều không nhấn, hoặc nói sai âm, đặc biệt là các âm không có trong tiếng Việt.
Gần đây, trong hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh việc dạy và học tiếng Anh của Việt Nam cần hợp tác và tham khảo cùng các nước đã thành công trên thế giới như Singapore. Đây là một định hướng rất đúng đắn, vì nếu đuổi kịp Singapore về tiếng Anh, khả năng thích nghi và hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ được tăng lên nhiều lần. Vậy, chúng ta có thể học tập được gì từ Singapore?
Chúng ta cần học họ trong việc xây dựng một chuẩn tiếng Anh. Ở Singapore, tiếng Anh được sử dụng trong công việc và giao dịch quốc tế là tiếng Anh chuẩn Singapore (Standard Singapore English) - dựa trên quy chuẩn Anh - Anh. Những doanh nhân và người có học thức ở Singapore thường nói tiếng Anh rất chuẩn và dễ nghe.
Tiếng Anh kiểu Sing-lish thường chỉ được sử dụng trong những bối cảnh không chính thức. Đây là cách để phổ cập tiếng Anh rộng rãi vào xã hội Singapore, vì không phải bất cứ người dân nào cũng có điều kiện được học hành bài bản để có thể nói tiếng Anh theo đúng chuẩn. Nhưng vào năm 2000, khi sự phổ cập của Sing-lish cơ bản đã hoàn thành, chính phủ nước này phát động phong trào “Nói tiếng Anh hay” nhằm thay thế Sing-lish bằng tiếng Anh chuẩn. Phong trào này đã tạo ra nhu cầu nói tiếng Anh chuẩn ở Singapore. Ngày nay, trẻ em ở đây được học tiếng Anh chuẩn ở trong trường. Người Singapore tin rằng, tiếng Anh là “ngôn ngữ làm việc” nhằm giúp họ xây dựng nền kinh tế phát triển trong cộng đồng toàn cầu. Do đó, tiếng Anh chuẩn là một yêu cầu thiết yếu.
Trở lại Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta lựa chọn một chuẩn tiếng Anh để phổ cập, và ngừng dạy tiếng Anh kiểu Việt Nam. Nếu coi tiếng Anh là cầu nối để phát triển và hội nhập toàn cầu, cần sử dụng một thứ tiếng Anh mà ai cũng có thể hiểu được, chứ không phải chỉ để người Việt hiểu với nhau.
Nhìn rộng ra, đây không chỉ là câu chuyện riêng của việc dạy và học tiếng Anh. Rất nhiều lĩnh vực khác ở nước ta hiện nay vẫn tồn tại nhiều thứ tiêu chuẩn, quy định riêng “Việt Nam mới có”, khác với những quy chuẩn đã phổ biến ở quy mô quốc tế.
Càng có nhiều lĩnh vực không chung ngôn ngữ và cách hiểu với thế giới, chúng ta càng trở nên lạc lõng.
Nguyễn Xuân Quang