Ngay trong chợ Long Biên có một đồn công an. Đến giờ cao điểm, công an bắt đầu ra cổng, điều khiển dòng xe ra vào. Các anh làm việc rất cực nhọc vì cái cổng chợ bé tý, chỉ cần một cái ôtô tải đi không đúng luồng, là tắc cứng. Có lúc phải quát tháo, khua dùi cui. Các anh làm hết sức, để những chiếc xe thồ to như quả núi kia có thể dễ dàng ra khỏi chợ đi vào phố.
Đó là một khung cảnh nghịch lý - công an làm việc vất vả để cho dòng xe phạm luật giao thông một cách rõ ràng ấy vào phố. Nhưng ai cũng hiểu hệ tuần hoàn của thành phố đã chảy như thế bao đời. Hà Nội, ít nhất là lúc này, không sống thiếu những chiếc xe thồ ngất ngưởng ấy được. Các chợ cóc cần rau từ Long Biên. Những cái chợ trong ngõ ngách, chỉ có thể phục vụ bởi những chiếc xe máy cũ này, cộng thêm đủ thứ dây rợ và khung thép lằng nhằng để có thể chất lên hàng tạ rau. Các anh công an không thể làm khác.
Chúng ta đã hưởng một không gian sống tiện lợi mà tôi nghĩ là thuộc hàng hiếm có trên thế giới. Chỗ nào cũng là chợ. Ở châu Âu, tôi chạy bộ mấy cây số qua những dãy nhà và không tìm nổi một cửa hàng tạp hoá. Thành phố giàu có đó đã được quy hoạch thành những không gian chức năng riêng biệt. Chỗ nào mua bán là mua bán, chỗ nào ở thì toàn nhà ở.
Hay là ngay tại Thái Lan, tôi cũng đã phải đi bộ mỏi mòn suốt khu Ratchaprarop, Bangkok suốt cả tiếng đồng hồ chui vào tất cả những ngõ ngách có thể để tìm một cái chợ rau, để tìm mua lá makrut tươi, cái lá dùng để nấu Tom Yum - thứ vốn là quốc hồn của dân Thái và tưởng rất phổ biến.
Ở những nơi đó, nếu xét theo sự tiện lợi trong mua bán thường ngày, họ khổ hơn chúng ta nhiều.
Nhưng sự tiện lợi ấy, sự tiện lợi cho phép chúng ta chống chân xe máy xuống, đỗ xe ôtô lại ở bất kỳ đâu và mua bán bất kỳ thứ gì, là một thứ lợi trả bằng máu.
Hôm qua, một phụ nữ đã thiệt mạng khi đang đứng bên đường đón xe về quê. Một chiếc xe bò chạy ngang qua, tôn từ chiếc xe bung ra, cứa vào cổ chị. Tuần trước, một đứa trẻ tội nghiệp chết vì ngã vào chiếc xe ba gác chở tôn. Tháng trước, một cô gái trẻ bị bỏng toàn thân vì đâm vào một chiếc xe máy chở xăng. Họ không phải là những nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam. Chúng ta duy trì một nền thương mại được xây dựng dựa trên việc xé bỏ luật pháp và các khế ước văn minh về giao thông, từ vỉa hè đến lòng đường.
Tôi không thể dừng nghĩ rằng sự xấu số của những con người tội nghiệp kia, thật ra là chi phí cho sự tùy tiện mà chính các thị dân đã chọn lựa. Đường phố hiểm nguy hơn với những chiếc xe thồ chở rau, chở lợn, chở vật liệu xây dựng, chính là để đổi lấy việc một người dân thành phố có thể “ra đầu ngõ” và có mọi thứ họ cần, thay vì đi rất xa để đến siêu thị, như người dân nơi khác phải làm. Cái giá phải trả để dân Việt Nam sống nhàn hơn cả những cư dân giàu có nhất thế giới, tất nhiên cực đắt.
Người lái xe ba gác làm chết cháu nhỏ đã bị tạm giữ. Nhưng nếu như ông ta bị khởi tố vì tội “Vô ý làm chết người” theo điều 98 Bộ luật Hình sự, và coi rằng mọi người điều khiển xe ba gác, xe thồ, xe ba bánh, đều có khả năng trở thành tội phạm, thì hãy nghĩ xem ai là người “chỉ huy”, “tạo điều kiện vật chất” và “thúc đẩy” người khác thực hiện hành vi đó - theo điều 20 Luật Hình sự về tội đồng loã? Chính những người tiêu dùng bình thường đã trả tiền, khuyến khích những chiếc xe giết người ấy đi ra đường.
Những người nghèo không tự duy trì hệ thống giao thông giết người kia. Chính những người trả tiền để họ lao ra đường, mới là “chủ mưu”, là người điều khiển cao nhất của hệ thống giao thông đầy bất trắc này.
Trong cơn phẫn nộ vì cái chết của cháu bé tại Hà Nội, tôi nghe thấy những lời kêu gọi hành động quyết liệt, đòi cấm các phương tiện cồng kềnh vi phạm pháp luật giao thông. Sự việc thực sự đau lòng và cần ngay hành động. Nhưng lời kêu gọi ấy sẽ trở thành quẩn quanh nếu như thành phố vẫn tiếp tục cái văn hoá thâm căn, đòi “ra đầu ngõ” để mua bán của mình.
Hãy tự đặt câu hỏi: không còn chợ cóc, cửa hàng tạp hoá nhỏ, giá vật liệu xây dựng đội thêm phí vận chuyển bằng ôtô, phần lớn các mua bán diễn ra trong siêu thị từ mớ rau đến bao thuốc, đồng nghĩa với tất cả mọi thứ đắt lên, các bạn có sẵn sàng chấp nhận không?
Đức Hoàng