Lên Facebook càng choáng, ở đâu mà người đẹp nhiều thế. Đã đẹp còn sang, timeline hình ảnh bóng lộn, không e ấp cắn móng tay trong trung tâm thương mại thì cũng yêu kiều bên đĩa thức ăn trong các quán tên tây... Đã sang lại còn lãng mạn. Tối tối ra nhà thờ Đức Bà mà xem, trai thanh gái lịch ngồi la liệt trên bãi cỏ công viên đan tay ngắm nhau, hay túm tụm dọc các lề phố tư duy về tương lai thời trang đất nước.
Nhưng khi họ đi khỏi, nhìn đường phố, công viên mà buồn. Thức ăn thừa, vỏ chai, hộp, ly nhựa, giấy lau tay bỏ lại. Rác muôn màu trên cỏ xanh. Hôm nào có sự kiện đường phố - thậm chí là kêu gọi bảo vệ môi trường - ôi thôi, đường phố thành bãi rác khổng lồ, dù các thành viên hầu hết là sinh viên hoặc vừa tốt nghiệp đại học.
Dường như rất nhiều người có học nhưng chưa biết hoặc không thích ăn sạch, ở sạch. Trung tâm Sài Gòn rác rải dọc đường, bịch to, bịch nhỏ dưới chân cột điện. Vỏ hộp vỡ nát tọng đầy miệng cống. Thức ăn thừa nhầy nhụa trên vỉa hè. Thậm chí khu vực trước nhà thờ Đức Bà, một điểm nhấn của du lịch, kiến trúc và sinh hoạt tâm linh của người dân thành phố, xe chở rác đen ngòm loang lổ những vệt nước rỉ ngang nhiên đứng. Chuột cống to bằng bắp tay người lớn chạy rúc rích từ trong các bồn hoa ra đường. Người dắt chó đi dạo phóng uế bừa bãi. Với cái nắng này thì cái gì chẳng nhanh chóng trở thành bụi, rồi dịu dàng bám trên môi, mịn màng chui vào phổi.
Có lần tôi thấy cô gái nọ đứng trên lầu cao nhắm thật kỹ rồi vung tay ném bịch rác xuống đường vỡ tóe tung. Kệ, cô gái đủng đỉnh quay vào.
Ngay nơi làm việc cũng bẩn thỉu. Nếu không có người dọn vệ sinh mà giao cho các nam nữ cử nhân tự quản thì chắc chỉ một tuần các văn phòng trong cao ốc cũng thành rác. Trên bàn tài liệu chen chúc đồ ăn. Các cô gái mang bún mắm tôm vào ăn trong phòng máy lạnh đóng kín. Chàng trai mang giày đứng lên ghế với đồ trên cao. Trong nhà vệ sinh thì vứt cả những thứ không tiêu được vào bồn cầu.
Thói ăn ở bẩn thỉu phổ biến đến nỗi dường như bất cứ nơi nào có đám đông người Việt là có thể thấy nó. Trên các xe đò, toa tàu đều có thùng rác nhưng khách đi du lịch vẫn quăng hộp xốp đựng thức ăn, chai nước uống gần hết giữa sàn tàu lăn lóc, lầy lụa. Gần Tết thì người ta cắn hạt dưa, hạt bí phun vỏ toèn toẹt xuống ngay dưới chân.
Đang chạy xe máy tiện cổ thì nhổ luôn một bãi bất biết nó bay trúng mặt ai không. Ra bãi biển làm dáng chụp hình mà dưới chân thì cơ man bịch nilon. Đi học cầm theo ổ bánh mì, ăn xong vo miếng giấy gói vứt ngay xuống đất.
Vào chợ hay các quán ăn nho nhỏ thì khỏi nói. Nếu đưa chuột cống, gián và ruồi vào hệ động vật đô thị thì các nhà khoa học hoàn toàn yên tâm, chẳng bao giờ chúng bị đưa vào sách đỏ: hiếm có môi trường sống hoàn hảo đến thế. Cạnh rổ rau là thùng rác, vừa bốc bún vừa đếm tiền, xương bò nấu phở cứ vác cái thớt để ngay trên lề đường mà chặt.
Bệnh viện nhà nước thì bẩn khỏi chê. Nước trong nhà vệ sinh đọng xềm xệp. Rác thải chuyển chung với thang máy chở người. Người thân vác nguyên giày dép, áo quần mặc bên ngoài ngồi ngay lên giường bệnh nhỏ to tâm sự.
Nông dân làm ruộng xong vứt luôn vỏ chai thuốc trừ sâu, vỏ bao phân trên bờ, lều bều theo dòng nước tưới.
Sự bẩn thỉu dường như là thói quen, là "văn hóa truyền thống" của một bộ phận người Việt, từ có học đến ít học, từ thành thị đến nông thôn.
Trên mạng xã hội cũng đầy "rác". Các thể loại lộ hàng, hở mông, ông tửng bà tưng viết status kiểu "hôm nay nóng quá", ngay lập tức hàng ngàn người nhảy vào like, commen xót xa, chia sẻ. Một vấn đề kinh tế đang nóng, một tình huống xã hội đáng lên tiếng thì chẳng ai thèm quan tâm. Vậy là nhu cầu đọc những thứ vô bổ lấp đầy thời gian đọc của người trẻ. Toàn những thứ rẻ tiền chóng hỏng, tưởng chừng vô hại nhưng ăn nhiều thì mang bệnh.
Buồn làm sao!
Hay là quay lại với thời lớp một, lớp hai, nhà nước vận động và kêu gọi toàn dân ăn sạch ở sạch, ai ở dơ bị phạt tiền? Hay là bên cạnh những thông tin về kinh tế, xã hội, pháp luật, báo chí nên ưu tiên thời lượng chỉ dẫn cách ăn sạch, ở sạch; tuyên dương gương ăn sạch, ở sạch?
Chứ chỉ có việc ăn ở cho sạch sẽ mà còn chưa thực hiện nổi thì dù đầy bằng cấp đấy cũng chẳng dám mơ đến những hành vi mang tính trí tuệ cao hơn, như đọc sách, yêu động vật, làm thiện nguyện, tranh luận và tôn trọng sự đa chiều... Nói gì đến những nhu cầu thượng tầng như dân trí, dân chủ? Xa ơi là xa, thăm thẳm, thăm thẳm.
Hoàng Xuân