Ở bên bờ đê Yên Phụ, mặt sau của "Con đường gốm sứ", quãng đường Thanh Yên giao với đường Hồng Hà có một người điên nằm vạ vật dưới gầm cầu thang đi lên đê đã nhiều năm. Đấy là anh Dũng. Anh lập một cái "ổ" tại đấy và sống nhờ vào lòng tốt của những hàng quán xung quanh. Anh Trường hay trích thu nhập còm cõi từ công việc của mình, mua cơm cho anh Dũng ăn, và cứ mỗi tháng một lần lại đem anh Dũng đến nhà trọ của mình, tắm rửa gội đầu và cạo râu cho anh.
Tuần này, anh Trường quyết định bỏ chợ Long Biên để vào Nam tìm một đường sống khác. Cảm thấy áy náy với anh Dũng, Trường đưa anh về quê tìm lại họ hàng để gửi gắm.
Câu chuyện anh Trường kể lại sau chuyến đi ấy khiến tôi cảm thấy đắng lòng. Người nhà anh Dũng dọa đánh anh Trường. Họ nói đại ý, chẳng ai tử tế kiểu này cả. Họ cho rằng anh Trường bị “điên”, hoặc có mưu đồ gì đấy, rồi dọa đánh, đuổi đi. Vì trước đây, cũng đã có người từng dắt anh Dũng về để "làm tiền" gia đình.
Anh Trường để lại bộ đồ đánh giày mà anh từng sử dụng để mưu sinh tại Hà Nội cho anh Dũng, dặn anh Dũng cố tỉnh táo mà làm ăn, rồi vào Nam.
Câu chuyện mà anh kể ám ảnh tôi. Bởi vì dạo này tôi gặp rất nhiều người "điên". Tôi đi theo anh Nguyễn Quang Thạch, người nổi tiếng với việc đã quyên góp xây dựng hàng nghìn tủ sách cho trẻ em nông thôn Việt Nam. Tôi hỏi những người từng giúp đỡ anh. Một giáo viên trường cấp hai, người đã cho anh ở nhờ trong nhà suốt mấy năm trời, bảo rằng lúc đầu anh nghĩ anh Thạch này có vấn đề về tâm thần. Một lãnh đạo phòng giáo dục huyện cũng tâm sự ấn tượng ban đầu của ông về anh Thạch là người lập dị. Chẳng ai bỗng dưng lại đi đến một địa phương và tuyên bố tôi sẽ làm mọi cách để trẻ em tại đây có sách đọc, các ông cần giúp tôi.
Tôi gặp chị Mai Anh, mẹ nuôi của bé Thiện Nhân và là đồng sáng lập quỹ "Thiện Nhân và các bạn". Trong đêm trao "Giải thưởng tình nguyện quốc gia 2015", chị, thay vì lên nhận giải như dự kiến, phải nằm viện vì kiệt sức sau chuyến đi từ thiện mới diễn ra. Chị chạy khắp trong Nam ngoài Bắc để thực hiện các ca mổ cho những bé bị dị tật cơ quan sinh dục như Thiện Nhân ngày nào. Tôi vào khoa cấp cứu thăm chị, chẳng biết nói gì.
Không thể bắt ai cũng sống theo kiểu ấy. Nhưng có một điều buồn bã, là bây giờ ngay cả tin vào những điều ấy cũng khó khăn. Lễ trao giải tình nguyện quốc gia, tôn vinh rất nhiều người tốt một cách kỳ lạ. Một người câm dạy nghề miễn phí cho thanh niên nghèo, một vận động viên suy thận đi lại khó khăn cũng dạy võ miễn phí cho sinh viên, cả bà chị đang nằm cấp cứu của tôi. Những câu chuyện phi thường. Nhưng hàng ghế phía dưới vắng tanh. Trưởng ban tổ chức buồn bã. Anh tâm sự, địa điểm của lễ trao giải chỉ cách những trường đại học lớn vài bước chân.
Chúng ta đang rất hào hứng kể các "câu chuyện cảnh giác", thứ rất dễ lan truyện các điều tiêu cực, làm sinh ra những hoài nghi như người nhà anh Dũng. Chúng ta lại đang thiếu đi những câu chuyện kéo con người trở lại tin vào những điều tốt thật sự, tốt không mưu cầu, một thứ tốt mà giờ này nói ra nghe phi lý.
Anh Trường vẫn may vì chưa bị đánh. Anh Thạch vẫn may, vì còn có người tin và giúp đỡ để hàng nghìn trẻ em được đọc sách.
Nhưng có bao nhiêu người đã không may và chẳng còn muốn làm người tốt nữa.
Đức Hoàng