Thầy phân tích rằng nghỉ Tết không chỉ có chín ngày liền không đi làm, mà kéo theo đó là hai - ba tuần trước Tết không cơ quan nào tập trung làm việc, bởi còn lo quà cáp biếu xén, lễ lạt các nơi. Công việc được đề nghị để sau Tết giải quyết. Sau Tết là một tuần thăm hỏi, liên hoan chúc tụng, đi lễ cầu may tứ phương... ít nhất phải kéo hết Rằm tháng Giêng. Tổng thời gian không làm việc mất khoảng hai tuần và làm không đến nơi đến chốn mất thêm hai tuần nữa. Tính nhanh bốn trên 52 tuần cũng ra khoảng gần 8% thời gian sản xuất kinh doanh một năm. Thầy cho rằng thiệt hại GDP tính sơ sơ rơi vào khoảng 5%.
Ai cũng biết Tết là nét đẹp văn hóa Việt từ nghìn đời, là dịp người đi xa tìm về đoàn tụ gia đình, bao vất vả nhọc nhằn cả năm được dẹp sang một bên để chào đón một năm mới may mắn và ấm áp. Tết là dịp thờ cúng ông bà, tổ tiên, gợi nhắc những giá trị gia đình thiêng liêng và văn hóa uống nước nhớ nguồn. Tết cũng là dịp con trẻ háo hức khoanh chân trông nồi bánh chưng, xúng xính mặc quần áo đẹp chờ lì xì năm mới.
Tuy nhiên, Tết Việt thời công nghiệp hóa hiện đại hóa không chỉ dừng lại ở đó. Tết giờ là dịp người người nhà nhà vắt óc từ việc tìm ý tưởng mua quà biếu sếp to, sếp nhỏ, đối tác, cơ quan quản lý, tới việc cân nhắc phong bì nặng nhẹ bao nhiêu cho hợp lý. Tết giờ cũng là dịp các phụ huynh đau đầu vun vén chi tiêu dành một khoản mua quà biếu thầy cô giáo của con, để yên tâm là các cháu sẽ được thầy cô quan tâm bằng bạn bằng bè. Rồi tiếp đến là tiền quà biếu nhà nội, nhà ngoại, tiền mừng tuổi cho các cháu, tiền sắm sửa quần áo mới, tiền cúng lễ chùa, thôi thì đủ các thứ tiền.
Mà mua sắm dịp Tết thì lại chẳng rẻ rúng gì. Cái gì cũng tăng giá, cũng đắt đỏ, âu cũng tại ở một chữ “Tết”. Trong thời buổi kinh tế khó khăn này, tôi biết Tết là gánh nặng cho biết bao hộ gia đình nghèo.
Đối với một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như Việt Nam, việc nghỉ Tết dài ngày và lệch thời gian với Tết Tây là một thiệt thòi lớn cho nền kinh tế. Nhìn nhận được vấn đề, Tổng thống Nga Putin đã hủy bỏ kỳ nghỉ dịp năm mới vừa qua của các Bộ trưởng Chính phủ Nga để tập trung khắc phục khủng hoảng kinh tế. Nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều đã điều chỉnh kỳ nghỉ Tết Âm lịch cho phù hợp với nhịp kinh tế của thế giới. Trong khi đó, dường như Tết Việt của ta lại mỗi năm một kéo dài hơn, bất kể tình trạng suy thoái kinh tế những năm gần đây.
Mới đây Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã có ý kiến cho rằng nghỉ Tết 9 ngày sẽ gây thiệt hại 2% của GDP. Song tôi nghĩ con số thật sự còn cao hơn rất nhiều. Bởi ngoài những thiệt hại đong đếm được bằng số ngày ngừng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, những thiệt hại vô hình từ việc mất và suy giảm năng lực sản xuất xung quanh kỳ nghỉ Tết là rất lớn. Chưa kể tới nhiều vấn nạn xã hội khác như tắc đường, tai nạn giao thông, trộm cắp, an toàn thực phẩm, chặt chém nơi chùa chiền và điểm du lịch đông đúc. Tất cả những chi phí vô hình này, liệu có ai tính ra được mức thiệt hại bao nhiêu % trong GDP?
Tôi đọc đâu đó có ý kiến ủng hộ bỏ Tết ta, hay gộp nghỉ lễ Tết ta vào Tết tây cho phù hợp với hội nhập và toàn cầu hóa. Cá nhân tôi cho rằng sẽ là một thiệt thòi cho văn hóa Việt nếu xóa bỏ đi Tết ta, bởi công nghiệp hóa không có nghĩa là quên việc bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa xã hội, và toàn cầu hóa không phải chỉ để tiếp thu tinh hoa của bạn bè quốc tế, mà còn để mang những nét đẹp dân tộc đáng tự hào giới thiệu tới cộng đồng thế giới. Song, để thực sự có một cái Tết đầm ấm và giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, phải chăng nên giảm bớt số ngày nghỉ, khuyến khích tổ chức Tết đơn giản, đồng thời quán triệt tình trạng quà biếu và lễ lạt quanh dịp Tết?
Giờ có lẽ tôi và nhiều bạn đọc đã có thể trả lời được câu hỏi của thầy tôi: Bạn thích Tết hay GDP?
Huyền Trang