Hầu hết là sản phẩm nông nghiệp thô, rất ít hoặc gần như không có giá trị gia tăng. Ví dụ hội chợ nông nghiệp công nghệ cao và thực phẩm vừa tổ chức ở TP HCM.
Cụm từ nông nghiệp công nghệ cao gần đây được nhắc tới và ca ngợi như một trào lưu nhưng tôi thấy nó thậm xưng quá. Chỉ với nguyên liệu sữa, Thụy Sĩ làm ra hàng chục loại bơ, yaour, phô mai, váng sữa... bán khắp thế giới, hầu hết giá cao, nhiều thứ được xếp vào mỹ vị. Với gạo, siêu thị Hàn Quốc bán cơ man sữa gạo đóng chai đủ hương vị, ngấm ngầm tạo nên một trào lưu ăn uống trong giới trẻ như trà sữa, chè khúc bạch một thời... Tài năng chế biến đó đáng giá vàng khối. Còn ta, vào hội chợ thấy dào dạt các thương hiệu mật ong và ca cao mới nhưng vẫn chỉ quẩn quanh mật ong nguyên chất và mật ong sữa chúa. Ca cao, thứ hạt vàng không ai ngờ phát triển tốt ở Việt Nam và đạt chất lượng cao, chủ yếu vẫn dừng ở dạng bột. Chocolate ngon tuyệt và giá cao bán chạy ở siêu thị vẫn từ Bỉ, Thụy Sĩ, Đức... do ổn định về chất lượng và phong phú chủng loại.
Đặc sản miền Tây Việt Nam ngon, nhưng vẫn là các loại khô ướp muối và khô tẩm gia vị tỏi ớt. Và do nguồn thủy sản tự nhiên ngày càng ít đi nên con cá con tôm ngày càng nhỏ lại, chỉ có giá tiền năm sau cao hơn năm trước. Nấm, cách đây mấy tháng dân Đồng Nai khóc ròng vì dội chợ, giờ bán lại cũng vẫn nấm tươi, nấm khô là bít cửa. Các mặt hàng chao nấm, hạt nêm nấm, trà nấm... từng được một doanh nghiệp ở Củ Chi giới thiệu và rất đắt hàng cách đây ít năm giờ biến đâu mất. Năm nay, một doanh nghiệp rụt rè giới thiệu mộc nhĩ sấy khô mặn ngọt và nấm bào ngư xé sợi tẩm gia vị thì mới chỉ ở dạng đầu bếp gia đình, chưa đạt tiêu chuẩn thương mại. Bưởi giẫm chân ở nước bưởi ép, mứt vỏ bưởi, rượu bưởi. Lâm Đồng vẫn các thứ sirô trái cây ngọt lịm và thơm ngát hương liệu, cùng các loại mứt trái cây muôn thuở. Dừa, ở xứ người dầu dừa tinh lọc đã phổ biến đến mức có công ty đặt sẵn bình dầu dừa tại sảnh để nhân viên, công nhân cứ đến làm việc là có thể uống vì rất tốt cho sức khỏe; còn mình, vẫn là kẹo dừa, có "sáng tạo" thì trộn thêm sầu riêng, hạt điều, đậu phụng... Quế vẫn là bột quế, lót giày quế, túi thơm to bằng nửa bàn tay bỏ trong tủ áo. Tôi hỏi thử túi thơm quế dạng nhỏ để đeo trong người, hoặc tất có lót quế áp vào gan bàn chân, đơn giản vậy nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Lội khắp siêu thị, khắp các hội chợ, tìm được một thứ nông sản Việt đã thoát khỏi dạng thô sơ sao hiếm hoi quá, huống chi đòi những thứ đã được chế biến tới mức tinh hoa. Vậy thì làm cách nào thực hiện nổi mơ ước Việt Nam được định danh là nhà bếp của thế giới, như "huyền thoại marketing thế giới" Phillip Kotler từng hào phóng phong tặng khi đến Việt Nam?
Đã ít tìm tòi nâng cấp sản phẩm, ngay trong cách đóng gói, nhiều doanh nghiệp cũng không hề để tâm. Hôm ở hội nghị sơ kết chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh thành ngày 31/10, tôi thấy một doanh nghiệp hồ hởi quảng cáo thứ khô bò một nắng mới, có nhiều nhà phân phối xúm lại. Ăn thử thấy ngon, khô bò ẩm và mềm mại chứ không cứng như khô bò truyền thống, nhưng muốn mua ăn ngay thì đành chịu. Vì gói khô bò khá to, khoảng ba lạng đến cả ký, còn nguyên tảng và chưa làm chín, muốn ăn chỉ có cách mang về nhà chế biến lại.
Hầu hết đặc sản của các địa phương đều bán thô sơ như vậy. Chả mực Quảng Ninh nổi tiếng, khoai lang dẻo rất ngon của Đà Lạt, cũng đóng gói trọng lượng khá lớn, lại không có khay ăn, nĩa và gói tương ớt kèm theo để xé gói ra là có thể dùng ngay. Mủ trôm, hạt é, hạt đười ươi, nước từ bông bụp giấm (Hibiscus) - rất ngon, lành và tốt cho sức khỏe - chủ yếu vẫn bán dạng nguyên hạt, nguyên thỏi nhựa cây đen nâu xù xì, nhìn vào nhiều người chẳng biết phải làm thế nào để uống; hoặc là đóng chai cả lít, ở dạng "nguyên chất", muốn uống phải pha thêm nước, rất khó hình thành khẩu vị chuẩn cho sản phẩm.
Đã vậy cách chế biến nhiều sản phẩm Việt cũng được chỉ dẫn rất lờ mờ. Như món khô nai chỉ được ghi trên bao bì: làm nóng hoặc chiên lại trước khi dùng. Nhân viên doanh nghiệp cho biết bỏ lò vi sóng khoảng 10 giây hoặc nhúng qua chảo dầu sôi vớt ngay mới ngon, nếu không sẽ bị giòn. Đơn giản vậy tại sao không ghi lên nhãn? Hoặc một món ghi trên nhãn là muối lá é nhưng lại được quảng cáo là muối lá theng leng, thứ lá gia vị mọc ở vùng rừng Quảng Nam rất hiếm và khó tìm. Hỏi sao giới thiệu một đằng nhãn một nẻo, doanh nghiệp trả lời vì công thức có lá é và lá theng leng nên nói sao cũng đúng!
Công nghệ sau thu hoạch ở các nước phát triển đặc biệt được coi trọng vì nó nâng tầm và giá nông sản. Ở Việt Nam, điều này cũng đang ngày càng được quan tâm, nhưng chưa nói tới những công nghệ tinh tế mà chỉ cần quan sát, học hỏi và chăm chút thói quen tiêu dùng của khách hàng, tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã có thể tăng doanh số bán hàng và chiếm một chỗ quen thuộc trên bàn bếp nội địa.
Hoàng Xuân