Sau một ngày xem xét kỹ lưỡng, họ kết luận rằng cháu chỉ phải điều trị nội khoa. Khi đó tôi mới dám thở mạnh vì nếu ca phẫu thuật xảy ra, cháu còn nhỏ, không rõ tính mạng và sức khỏe sẽ ra sao.
Giờ đây, nhiều khi đứng trước cửa trường học của con, tôi thường bất chợt nhớ lại cảm giác bức bối và sợ hãi trước phòng xét nghiệm năm nào. Dường như trường học nay giống như cái phòng thí nghiệm với đủ thứ thay đổi, cải cách diễn ra liên tục.... mà con tôi không chỉ chờ một ngày để có kết quả như khi ở bệnh viện nữa mà là đằng đẵng 20 năm ăn học từ mầm non qua đại học và không rõ sẽ thành người thế nào.
Có một vài cải cách cũng là tốt, nhưng phần nhiều thì cải cách làm tôi sợ. Nào là thay đổi chương trình, phân ban rồi lại không phân ban, viết lại sách giáo khoa, dự tính dùng sách giáo khoa điện tử, học tiếng Anh song ngữ, theo chương trình tăng cường, thay đổi số năm học theo từng cấp, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp PTCS, đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, thay đổi mô hình trường lớp công lập, bán công, tư thục, cho đại học tự chủ, cải tiến kỳ thi quốc gia, rút ngắn thời gian học phổ thông…
Tôi ngày ngày phải tìm cách đối phó và chống đỡ những thay đổi chóng mặt đó. Nào là tích cực đọc báo, xem thông tin có gì mới về cải cách mà ảnh hưởng đến con hay không, rồi thì tìm văn bản, tài liệu, hỏi thày cô. Nào là cho con đi học thêm để theo kịp cải cách, theo dõi sát sao xem những gì con mình làm được, những gì con mình không theo nổi để tìm cách giải quyết… rồi thì đến bất cứ kỳ thi nào quan trọng, như tốt nghiệp, chuyển cấp từ cấp 1, 2, 3 cho đến đại học. Gia đình tôi ngoài nỗ lực chăm sóc con ăn uống, nghỉ ngơi, chỉ còn biết ngồi xếp hàng dài ngoài cổng trường để cầu mong cháu thi cử suôn sẻ.
Nhưng dù sao thì đó chỉ là nỗ lực của người lớn và không phải “chính chủ”. Nỗi sợ hãi lớn hơn của tôi là hằng ngày nhìn con gồng mình chạy theo những cuộc cải cách. Chương trình học ngày một nặng nề hơn cho dù cải cách nói là sẽ giảm tải. Học thêm ngày một nhiều hơn nếu không muốn bị tụt lại đằng sau cho dù cải cách nói là sẽ cấm học thêm, dạy thêm. Sức khỏe không tốt lên bao nhiêu vì không có thời gian bổi bổ ăn uống, tập thể dục, thể thao mà mắt thì càng ngày càng cận nặng. Học mà cháu chỉ biết chép bài theo mẫu, làm bài theo mánh mà thiếu tính sáng tạo, chủ động, tự tìm tòi kiến thức, tự lực tư duy...
Rút cuộc, từ một người nhiệt thành với đổi mới và cải cách, tôi biến thành người sợ hãi mọi sự thay đổi trong ngành giáo dục. Tôi nghĩ thà là người bảo thủ mà bảo toàn được con cái, còn hơn là chạy theo đổi mới mà con cái sau này chẳng đâu vào đâu.
Giáo dục Việt Nam trước cải cách chỉ đi theo hai phương châm đơn giản: “Thày ra thày, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp” và: "Thi đua dạy tốt, học tốt”. Tóm lại là làm sao cho cái gì đúng bản chất của cái đó là xong. Hơn nữa, từ cổ đến nay, giáo dục trên toàn thế gian này chỉ đơn giản là truy tìm chân lý. Nếu thày cô dạy học trò biết làm gì để tự lực, tự cường truy tìm chân lý thì dù là ở đâu, khi nào, có biết bao kiến thức mới cần học, biết bao gian nan cần đối mặt thì trẻ em vẫn có thể tự học hỏi, tự trưởng thành. Những cải cách, đổi mới nếu có nên giúp cho quá trình truy tìm chân lý trong học tập thuận lợi hơn, chứ không phải làm cho các hình thức này trở nên rắc rối đến độ chỉ đáp ứng nổi nó đã lăn ra rồi, hơi đâu mà đi sâu vào bản chất vấn đề nữa.
Tôi nhớ giáo sư tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội đã từng than trên báo chí rằng: "Trên thế giới các nước có nền giáo dục xuất sắc như Anh, Mỹ hay Canada không bàn về đổi mới giáo dục, nhưng tại sao giáo dục của họ vẫn đổi mới? Nước trong khu vực Singapore cũng vậy, họ không đổi mới mà vẫn như đổi mới trong khi chúng ta đã qua vài lần đổi mới giáo dục…”.
Tôi không biết có phải là các nhà quản lý giáo dục ở Việt Nam đang nghĩ rằng ta cần vượt hơn các quốc gia phát triển khác bằng việc cải cách, thay đổi chóng mặt và liên tục đưa học sinh vào vòng quay này để tìm ra kết quả chứng minh và thử nghiệm hay không? Và tôi cũng không biết các bậc cha mẹ như tôi còn có bao nhiêu kiên nhẫn để nhìn thấy con như con rối như vậy nữa?
Là một người mẹ, tôi cầu mong giáo dục nước nhà hãy trở về với bản chất của việc dạy và học từ thời Sokrates và Aristotle, đó là giúp cho mỗi đứa trẻ có thể tự truy tìm chân lý và trở thành con người có đạo đức, có trí tuệ, thể chất tốt và biết thực hành mà thôi.
Nguyễn Anh Thi