Bạn sẽ không thể xin việc làm chính thức - cho dù là đi làm công nhân khu công nghiệp. Bạn tất nhiên không thể thi đại học, không thể lấy bằng lái xe, không thể thuê nổi một căn nhà trọ đàng hoàng vì thủ tục đăng ký tạm trú. Bạn không thể nào có một cuộc đời. Bạn sẽ lưu vong ngay trên đất nước mình.
Quyền nhân thân tưởng là quyền cơ bản nhất của chúng ta, nhưng những người như thế vẫn tồn tại. Và thậm chí là tôi có thể chỉ cho bạn biết những đứa trẻ chắc chắn sẽ không có chứng minh thư khi chúng lớn lên. Chúng vẫn đang ngồi cười thơ dại trong một con hẻm nào đó ở Sài Gòn mà không tưởng tượng được mình sắp đối mặt với thứ gì.
Đó là những người trưởng thành từ các mái ấm. Thủ tục cấp chứng minh nhân dân cần hộ khẩu. Để một người trưởng thành từ mái ấm có chứng minh thư, cái mái ấm đó sẽ cần vượt qua ba thử thách hành chính: có tư cách pháp nhân, có sổ đỏ cho căn nhà đang nuôi dạy các cháu, và có hộ khẩu tập thể cho mái ấm.
Hoặc đơn giản hơn, là chính đứa trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ đó phải có sẵn hộ khẩu ở đâu đó trước khi được đưa vào mái ấm.
Chuyện như đùa mà thật.
Ở thành phố lớn nhất đất nước, vẫn có những mái ấm đã tồn tại gần 20 năm nay mà chưa thể nào có được những thứ cơ bản ấy. Cho dù họ vẫn tiếp nhận và nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ, làm giấy khai sinh, cho chúng đi học phổ thông, học nghề. Cho dù những bà má phụ trách mái ấm ấy cũng đã đổ mồ hôi nước mắt ra để quyên góp từng đồng nuôi những đứa trẻ xa lạ như con mình. Cho dù rất nhiều tình người đã đổ ra, thì hệ thống hành chính vẫn lắc đầu với quyền cơ bản của những đứa trẻ ấy.
Bà má ấy khóc trước mặt tôi khi nói về những ngày cực nhọc nuôi dạy những đứa trẻ mà chị coi như con mình. Không biết bao nhiêu lần trong mười mấy năm phụ trách cái mái ấm ấy, chị phải khóc. Thế mà ở phòng bên, vẫn có một thanh niên đã đến tuổi 30, bây giờ tờ giấy thể hiện nhân thân duy nhất, vẫn là một cái chứng nhận rằng cậu đã đi ra từ một mái ấm. Cậu không tìm được việc làm, phải quay lại phụ việc cho mái ấm dù đã sắp già. Và mười mấy hai mươi năm, đã có bao nhiêu người bước ra đời với một mảnh giấy nhàu làm “chứng minh thư”.
Chị xoay xở đủ cách. Chị đi tìm những họ hàng xa tít tắp của lũ trẻ, tận Tây Ninh, Sóc Trăng, rồi đến đó năn nỉ người ta cho nó nhập hộ khẩu. Năn nỉ khổ sở lắm, bởi ai dám cho một đứa họ hàng xa ở đâu đến vào hộ khẩu nhà mình, sau này còn chuyện tài sản. Nhưng phải làm, nếu không có hộ khẩu thì không có chứng minh, chuyện này là quy định.
Phiên họp thường kỳ chính phủ vừa qua, nội dung xây dựng thể chế được nhấn mạnh là trọng tâm. Từ lâu hệ thống pháp luật Việt Nam đã nổi tiếng với việc “vừa thừa vừa thiếu”, tức là quy định quá chi tiết, mà càng cố chi tiết thì càng bỏ sót. Thay vì quy định các phần khung để xã hội tự ứng biến theo nhu cầu. Chuyện “phải có hộ khẩu” với những đứa trẻ mồ côi có thể là một thứ như vậy.
Hệ thống pháp luật của chúng ta chi tiết đến mức cái trình ra để làm chứng minh thư buộc phải là “hộ khẩu” chứ không thể là một hình thức chứng nhận hợp pháp nào khác, dù chính quyền địa phương thừa nhận, như là ở mái ấm.
Chị phụ trách mái ấm nói với tôi rằng sau chục năm chiến đấu với núi thủ tục hành chính thì “vài năm nữa sẽ có hộ khẩu tập thể”. Mừng cho chị. Nhưng cũng đã muộn với nhiều đứa trẻ đang tuổi lớn ở cái mái ấm này.
Đức Hoàng