Diễn viên Emma Watson, đại sứ thiện chí của UN Women từng phát biểu, cô bị các bạn gọi là “hống hách” khi bày tỏ ý muốn làm đạo diễn các vở kịch ở trường, trong khi các bạn nam cũng thể hiện nguyện vọng tương tự thì không sao.
Trong một chuyến công tác, cô bạn phóng viên của tôi chia sẻ ý định xin phép sếp đi học lên cao ở nước ngoài. Rắc rối ở chỗ, yêu cầu của chương trình học bổng bắt buộc cô phải có giấy bảo đảm cơ quan sẽ tiếp nhận cô trở lại và cân nhắc thăng chức. “Em chẳng dám xin nữa vì em không muốn bị coi là tham vọng”, cô giãi bày với tôi.
Trong khi đó, nếu là một người đàn ông, bạn tôi chắc sẽ không ngần ngại. Một người đàn ông nói “tôi muốn được tăng lương, thăng chức”, hoặc “5 năm nữa tôi muốn lên trưởng phòng” chẳng hạn, thì có ai chỉ trích anh ấy không? Hay người ta sẽ coi anh là một người nhiệt huyết và có chí tiến thủ?
Dường như không ít phụ nữ e ngại “bị” coi là tham vọng. Như thể đối với họ, đây là một khuyết điểm. Bởi định kiến giới trong xã hội đã bó buộc họ vào những khuôn mẫu nhất định. Một phụ nữ có tham vọng thường bị coi là khó gần, thích kiểm soát, thậm chí là không hấp dẫn với nam giới. Những định kiến này tồn tại phổ biến trong cuộc sống thường nhật. Tôi biết một vài trường hợp, ở cùng một gia đình, người con trai được cử đi học ở nước ngoài, còn cô con gái thì chỉ được khuyến khích ở nhà lấy chồng. Người ta khuyên nữ giới không nên học cao quá bởi trở thành thạc sĩ, tiến sĩ sẽ dễ... ế chồng hơn. Người ta khuyên nam giới đừng lấy vợ quá… thông minh, đừng lấy vợ làm sếp...
Tôi cho rằng, những điều này không có cơ sở vì không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy phụ nữ học cao nói chung (chứ không phải một số trường hợp đơn lẻ) dễ đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Nếu bây giờ, ta làm một cuộc khảo sát về hạnh phúc hôn nhân của nhóm phụ nữ học thức hạn chế và phụ nữ học thức cao, liệu có chắc chắn kết quả đem lại là phụ nữ trí thức dễ gặp bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân?
Ngay cả trong trường hợp những ca ly dị xảy ra nhiều hơn ở nhóm hai, tôi đồ rằng đó là do những phụ nữ học thức hạn chế không có điều kiện tìm việc làm tốt, dễ bị lệ thuộc vào chồng về tài chính, vì thế không dám ly dị để tìm hạnh phúc mới. Thực tế cho tôi thấy nhóm phụ nữ ít có điều kiện học hành lại rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình và lạm dụng tình dục trong hôn nhân - khả năng này cao hơn nhiều so với nhóm phụ nữ có học thức. Đơn giản vì họ dễ đưa ra những lựa chọn thiếu sáng suốt ở độ tuổi còn trẻ và thiếu khả năng bộc lộ quan điểm cũng như bảo vệ bản thân.
Tôi cho rằng phụ nữ có quyền được tham vọng. Quan trọng hơn, phụ nữ có quyền được ủng hộ để theo đuổi tham vọng của mình. Điều đó không chỉ tốt cho cá nhân người phụ nữ, mà còn tốt cho xã hội. Mọi xã hội đều cần có sự cống hiến của cả hai giới. Nếu một người, bất kể nam hay nữ, đạt được thành công thì điều đó đồng nghĩa với việc người ấy sẽ có khả năng đóng góp nhiều hơn cho xã hội, tiêu dùng nhiều hơn, có khả năng chăm sóc cho người thân tốt hơn thông qua những dịch vụ chất lượng cao.
Trong đời sống hôn nhân cũng vậy, phụ nữ trí thức thường nuôi dạy con cái họ trở thành những người có học thức cao, phát triển toàn diện nhờ vào những lợi thế về chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Phụ nữ học thức cao và thành đạt có rất nhiều lợi thế và cần được nhìn nhận với đầy đủ sự tôn trọng. Họ không nên bị phân biệt đối xử chỉ vì có hoài bão lớn. Mỗi người đều có quyền ước mơ và không ước mơ nào thấp hèn hơn ước mơ nào, dù bạn là đàn ông hay phụ nữ.
Tôi tự hỏi, đến bao giờ, phụ nữ mới thôi không bị phân biệt, hoặc tự phân biệt chính mình vì thành công, hoặc tham vọng thành công chính đáng của họ?
Minh Thi