Những mảnh ván, lốp xe ấy rồi sẽ trở thành xích đu, xe hơi, tháp leo trèo... rồi sẽ được lắp đặt miễn phí ở một khoảng không gian nào đó: một mảnh sân khu tập thể chật chội trong thành phố, hay giữa một bản làng ở vùng núi Sơn La - cho bất kỳ đứa trẻ nào, dù là giàu hay nghèo, nhưng đang thiếu đi một không gian chơi có đầu tư, như vấn đề muôn thuở của mọi miền nước ta.
Tôi ngồi chơi ở đấy đến tối, cũng tý toáy cầm cái cưa máy và bắt đầu tham gia - chỉ đủ để nhận thấy rằng công việc không nhẹ nhàng gì cho những thanh niên thành thị quen gõ phím.
Tôi nhìn cái xưởng khuất nẻo, sâu tít mù trong làng Bắc Cầu cạnh bờ sông ấy, và nghĩ đến Giáng sinh. Ở Bắc Cực, theo truyền thuyết, cũng có một cái xưởng như thế, nơi ông già Noel sản xuất đồ chơi cho trẻ em khắp hành tinh. Khi những món quà được đem đến, vì ông già Noel chui qua ống khói để đi vào, hoàn toàn bí mật, nên trẻ em không nhìn thấy ông. Những tình nguyện viên đang ngồi cặm cụi cưa đục, sơn phết kia, cho đến khi những sân chơi được lắp và lũ trẻ nô đùa trên đó, cũng sẽ hoàn toàn vô danh. Họ cũng là những người chui ống khói.
Câu hỏi “Ông già Noel có thật không?” đã khiến không biết bao nhiêu đứa trẻ trên Trái đất băn khoăn. Cho đến bây giờ, một trong những bài báo được đăng lại nhiều nhất trong lịch sử vẫn là bài “Có ông già Noel không?”, đăng trên tờ The Sun của New York ngày 21/9/1897.
Năm ấy, một cô gái tên là Virginia O'Hanlon viết thư cho tòa soạn để hỏi rằng ông già Noel có thật hay không. Biên tập viên Francis Church, một phóng viên chiến trường thời Nội chiến Mỹ - người đã chứng kiến rất nhiều người mất đi niềm tin và hy vọng - nhận lá thư, và quyết định trả lời.
“Virginia, các bạn của em đã sai rồi. Họ đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi trong một thời đại hoài nghi. Họ không tin nếu họ không tự nhìn thấy. Họ nghĩ rằng những thứ mà tâm hồn hạn hẹp của họ không thẩm thấu được, thì nó không thể tồn tại... Đúng, Virginia ạ, có Ông già Noel đấy. Ông tồn tại hiển nhiên như là tình yêu, sự rộng lượng và sự thành tâm đang tồn tại...”
Tôi nhớ đến lá thư của Virginia khi chứng kiến cái xưởng nhỏ kia - và khi gặp rất nhiều người khác nữa, những người tặng quà nhưng lại “chui ống khói”, tức là âm thầm và lặng lẽ, không mong đợi người đời biết đến. Những người mà bởi vì họ “chui ống khói” nên người ta không thấy được và không tin rằng lòng tốt còn tồn tại.
Tôi đã gặp một bác sĩ, âm thầm chạy chữa cho những người vô gia cư ở Hà Nội trong suốt mấy năm, làm lụng đủ nghề để có tiền mua thuốc cho họ, trong khi bản thân anh vẫn còn đi xe buýt. Thế mà đến cuối, thậm chí chính những người ấy cũng còn không nhớ tên anh, chỉ biết gọi là “chú bác sĩ, chú ấy tốt lắm”. Anh chỉ đồng ý gặp tôi với điều kiện mặt anh không xuất hiện trên báo.
Đúng là xã hội của chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề và thiếu thốn lắm cái gọi là sự tử tế. Nhưng cũng như câu trả lời của người biên tập viên năm nào, chúng ta không thể vì không còn gặp người tốt nữa, mà tin rằng lòng tốt đã hết. Xã hội vẫn còn rất nhiều, chỉ có điều họ lặng lẽ “chui ống khói” để đưa món quà của mình.
Nhiều người tin vào một cái gọi là “Luật hấp dẫn”, nghĩa là nếu ta cứ nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực, tin vào triển vọng tiêu cực, thì chuyện xấu sẽ tự ập đến với ta, và ngược lại. Tôi cũng tin vào điều đó. Nếu ta cứ tin vào việc lòng tốt đã hết, thì nó sẽ hết.
Có ông già Noel không? Tôi muốn trả lời rằng có. Không chỉ có một người, mà là bất kỳ ai nếu họ muốn.
Đức Hoàng