Những tranh cãi về bộ ảnh ấy làm tôi nhớ thời mình đi học. Mới đây thôi, mà tưởng như là một thời đại khác, một thời đại của những sự cấm đoán. Tôi nhớ có những buổi họp phụ huynh chỉ để các bố các mẹ tranh luận xem có nên “để chúng nó yêu nhau không”. Tôi nhớ có một đôi bạn trong lớp yêu nhau, cô giáo chủ nhiệm sợ quá, phải ban ra một chính sách bất thường, là nam nữ không được ngồi chung một bàn. Cứ một bàn nam, rồi một bàn nữ, những bàn nam nữ ngồi chung hồi ấy là những bạn “gương mẫu” nhất mới được đặc cách.
Tôi còn nhớ một vị phụ huynh thời tôi đã xám mặt, run rẩy ngồi xuống ghế và tự trách móc bản thân khi biết con gái “có người yêu” năm lớp 11, như thể nó là một điều gì tai vạ.
Trong cuộc chiến giữa tính dục và lễ giáo, tôi ấn tượng với tuyên ngôn từ thế kỷ 17 của Heo Gyun, nhà trí thức Triều Tiên cổ đại, người đã viết những tác phẩm văn học đầu tiên bằng chữ Triều Tiên. Ông đã hai lần phải rời quan trường vì sùng bái dị đoan và có hành vi trái với lễ giáo. Sùng bái dị đoan ở đây là ông theo Phật giáo khi Triều Tiên thời đó theo Khổng giáo. Còn hành vi trái với lễ giáo là truyện trai gái.
Trong lần thứ hai rời khỏi quan trường, Heo Gyun đã phản kháng các nhà cầm quyền khi đáp rằng: “Tình dục nam nữ là cái Trời ban. Đạo đức luân lý là sự dạy của thánh nhân. Trời cao hơn thánh nhân nên ta theo Trời, không theo thánh nhân”.
Tôi không khuyến khích chuyện nam nữ ở lứa tuổi học trò. Bởi vì mỗi người trong chúng ta ở đây đều đã trải qua giai đoạn đó, và hiểu rằng chuyện đó là tự nhiên, chẳng cần ai phải khuyến khích cũng phát sinh. Tôi không nói rằng cần phải bỏ hoàn toàn những lễ giáo. Đó là một phần của văn hóa truyền thống. Nhưng lễ giáo cũng cần sự điều chỉnh để không trở thành sự phản kháng cực đoan. Bởi vì đúng như Heo Guyn nói, nó đương đầu với “ý Trời” - chuyện luyến ái là bản năng không thể cưỡng lại của con người. Nếu lễ giáo vẫn tiếp tục đương đầu với “ý Trời” một cách cực đoan, thì đó là một sự phản kháng mù quáng. Những luận điểm kiểu “tập trung học hành” (muôn đời vẫn thế) không cưỡng được quyền năng của luyến ái.
Phải lý giải thế nào trước việc Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, và chỉ xét riêng ở tuổi vị thành niên, là cao nhất Đông Nam Á? Phải lý giải thế nào trước việc nước ta vẫn là quốc gia tìm kiếm từ khóa “sex” cao bậc nhất hành tinh? Phải chăng là vẫn có một sự chối bỏ phi lý của “văn hóa”, chúng ta vẫn chưa nhìn thẳng vào việc luyến ái tuổi học trò là một điều rất tự nhiên, và những người lớn khi cố lờ nó đi để “giữ gìn thuần phong mỹ tục”, ta tiếp tay cho những lệch lạc.
Nếu đây là cuộc đối đầu giữa hai quyền lực, giữa văn hóa truyền thông và bản năng tự nhiên, thì phía mạnh hơn sẽ luôn luôn chiến thắng. Và nếu như phe yếu hơn không biết ứng xử hài hòa, thì những thảm kịch sẽ sinh ra. Nhu cầu tính dục, đặc biệt là ở những người trẻ, không thể xóa bỏ mà chỉ có thể chối bỏ. Và khi chối bỏ, nó trở thành những ẩn ức. Những ẩn ức có thể sinh ra rất nhiều hậu quả, cho cá nhân và cho xã hội.
Tôi nhớ phim Boyhood, bộ phim được đề cử giải Oscar năm nay. Ông bố trong phim là một người lông bông, sau khi ly dị chỉ đến gặp những đứa con mỗi tuần một lần để đưa chúng đi chơi. Và trong một lần đó, khi biết cô con gái 15 tuổi của mình có bạn trai, ông cố ngồi lý giải với con về việc phải dùng bao cao su như thế nào.
Làm sao để “ý Trời” không bị chèn ép thành những ẩn ức, làm sao để giữ được một phần truyền thống mà sự lành mạnh lên ngôi thay vì “nhắm mắt” trước thực tế không thể chối bỏ, có lẽ là thứ mà nhiều phụ huynh nên bắt đầu suy nghĩ.
Đức Hoàng