Tôi hiểu, từ Bộ trưởng, phụ trách một ngành, trở thành Bí thư một thành phố đông dân nhất nước, ông cần thời gian.
Tôi quan sát cách ông “nắm việc”. Nhiều tháng liền, ông Thăng trở thành nhân vật nóng nhất bởi phát ngôn, hành động ngay và luôn. Điều đó đã tạo ra sự tác động cụ thể. Ít văn bản giấy tờ và tăng tính trực quan khi xử lý thông tin là điều thấy rõ nhất ở ông. Trong hai cuộc làm việc tại Hóc Môn mới đây, ông đến tại chỗ nơi bị dân kêu và chất vấn địa phương về con rạch ô nhiễm, về bãi rác Đông Thạnh. Có nơi, ông đưa ra thời hạn: Giám đốc không làm được thì cách chức; giải quyết không xong thì chủ tịch huyện kiêm luôn ghế giám đốc công ty môi trường để mà làm cho xong. Và nếu quan sát sẽ thấy việc “trảm tướng” của ông Đinh La Thăng không phải chỉ là phát ngôn. Khi còn làm Bộ trưởng Giao thông, ông đã thay chỉ huy công trình khi đi kiểm tra tiến độ sân bay Đà Nẵng và Quốc lộ 1A vì thi công chậm trễ. Cả hai công trình sau đó đều vượt tiến độ.
Người dân TP HCM gần đây dùng một cụm từ vui vui khi muốn nói về những bức xúc: “Méc anh Thăng!”. Chưa có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy nào mà có đông người gọi là anh, thay vì gọi bằng ông. Trong mắt họ, ông Thăng đã tạo ra được ấn tượng về sự quyết liệt. Ở khía cạnh khác, nó cũng là dấu hiệu cảnh báo những cơ sở nơi ông sẽ thị sát. Sự quyết liệt đến mức truy vấn chắc cũng làm chạnh lòng không ít cán bộ và khiến không ít người thắc thỏm.
Câu chuyện của Bí thư Thăng khiến tôi nhớ 15 năm trước, có lần Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đối thoại với dân. Là chủ tịch của một thành phố lớn, trong khi đa số bức xúc của dân thì lại là những chuyện quá cụ thể. Dù vậy, ông Thanh vẫn tự tin để đối thoại từng chuyện nhỏ nhất. Một bà bán bún gọi đến kêu về việc cơ quan thuế đánh thuế quá cao, ông Thanh chỉ vào lãnh đạo cục thuế hỏi sao tính giá trên trời, ông này trả lời là căn cứ trên kết quả khảo sát doanh thu. Ông Thanh nói: “Tui biết quán bún đó, chừng nớ khách ăn mà ông tính thuế trên trời hỏi răng dân không kêu”. Hôm sau, bên thuế xuống khảo sát và tính lại ở mức thấp hơn nhiều so với trước.
Một bà chủ hộ gọi tới thắc mắc vì bị thu hồi đất nhưng sau đó cấp lại miếng đất nhỏ hơn ở nơi khác. Ông Bá Thanh hỏi: “Miếng đất cũ của bà giá thị trường chừ bao nhiêu?”. Bà này nói xong, ông hỏi tiếp: “Rứa chừ miếng đất tái định cư của bà, giá thị trường là bao nhiêu?”. Bà trả lời xong, ông Thanh nói: “Thôi hỉ, gấp đôi giá trị miếng đất cũ rồi, bà ưng chưa?”. Bà kia nói “Dạ ưng rồi. Ai cũng nói ngay ngắn với tui như chủ tịch thì tui nghe”. Một vụ khiếu kiện tới lui, không ngờ được hóa giải trong mấy phút đối thoại.
Một lần tôi phỏng vấn, ông kể: Bữa trước tui về trên quê, sáng nói người nhà luộc khoai ăn sáng. Đang ăn thì có ông già tới gặp, thái độ cũng gay gắt. Thấy tui ăn khoai, ông hỏi Chủ tịch mà cũng ăn khoai à. Tui nói dân quê mà sáng hông ăn khoai chớ ăn chi ông? (Người xứ Quảng rất hay trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác, ông Bá Thanh cũng vậy) rồi mời ông ấy cùng ăn khoai. Câu chuyện diễn ra quanh rổ khoai và xong thì ông ấy chào về, khỏi có ấm ức kiện thưa gì nữa. “Đôi khi, người dân bức xúc vì không được lắng nghe”, ông Nguyễn Bá Thanh nói.
Tôi nghĩ, mười mấy năm lãnh đạo Đà Nẵng, một trong những ấn tượng lớn nhất của ông Nguyễn Bá Thanh là mở ra và khơi thông các cuộc đối thoại. Không né tránh mà ông còn tìm đến chỗ bức xúc để lắng nghe. Ông đối thoại với tất cả: tù nhân vừa đặc xá, với các ông chồng vũ phu, với cán bộ và nhân dân. Không sâu sát lắng nghe dân thì không bao giờ có thể đối thoại và đưa ra giải pháp thuyết phục.
Trở lại với các cuộc làm việc gần đây của ông bí thư Thăng, cũng có ý kiến băn khoăn liệu Bí thư có “lấn sân” chính quyền? Những chỉ đạo cụ thể liệu có mâu thuẫn với vị trí người đứng đầu một thành phố lớn, có mâu thuẫn với các nguyên tắc kỹ trị? Tuy nhiên, trong bối cảnh “pháp quyền” còn là chặng đường dài mà tiếng kêu của người dân không thể chờ sự thay đổi “tính theo nhiệm kỳ” thì những tác động cụ thể, những hành động dứt khoát của người đứng đầu theo tôi là điều cần thiết. Giống như một ngôi nhà tổng thể xập xệ muốn thay đổi sẽ phải sửa, thậm chí thay móng, nhưng đừng vì chờ gạch xây nhà mà kéo dài thời gian sửa một đường ống đang bục.
Tôi nghĩ người dân không chỉ cần được lắng nghe, đối thoại mà họ cần sự thay đổi cụ thể.
Ông Thăng và ông Thanh đều là những người mê bóng đá. Thật tình cờ, tôi biết cả hai ông đều thích xỏ giầy vào sân thay vì đứng đường pitch chỉ đạo.
Đà Nẵng đã được nhiều người coi là thành phố đáng sống. Còn TP HCM, liệu quyết tâm “Đưa thành phố trở lại vị trí số một” có phải chỉ là lời hứa?
Tôi nghĩ, không có những xung động thì khó có thể tạo nên sự chuyển động của cả một cỗ máy.
Đức Hiển