Hằng năm ông và đồng đội du lịch thăm lại chiến trường xưa. Đất nước qua cái nhìn của thế hệ ông tôi đang đẹp lên từng ngày, không còn bom đạn, đói nghèo dần vắng bóng và nơi nào cũng có sự bình yên.
Hồi mới đi làm, tôi cũng hay ngồi tâm sự với bác trưởng phòng của mình. Nhà bác là gia đình địa chủ mấy đời, có nhiều ruộng đất. Khi cách mạng thành công, tài sản của gia đình bị tịch thu, bác may mắn được ăn học đàng hoàng, có bằng đại học nên đến thời bao cấp, bác lại được làm “sếp”. Năm 26 tuổi, bác là giám đốc một công ty xây lắp máy, có ôtô riêng, đi đâu mọi người cũng gọi “thủ trưởng”. Bất chợt lúc sắp về hưu, bác vướng vào kiện tụng, thế là một lần nữa lại trắng tay. Trải qua bao thăng trầm vì thời cuộc nhưng bác chưa bao giờ trách chế độ. Bác tâm sự với tôi: "Những điều hay dở thì thời nào cũng có, làm gì có xã hội nào, quốc gia nào trên trái đất này có sự công bằng và đúng đắn tuyệt đối”.
Càng tìm hiểu, tôi càng thấy tiếc nuối vì ngày nay, thế hệ trẻ như tôi có quá ít thời gian để được lắng nghe những người già. Người già có vốn sống phong phú và bình thản trước sự biến động của xã hội vì họ đã trải qua nhiều lần trong đời. Người già không có phản ứng cực đoan với một tin tức giật gân, một quy định bất thường, một biểu hiện suy đồi… họ điềm đạm tiếp nhận và hiểu rằng, mọi thứ sẽ không mãi thế, thời gian có thể gạn lọc để giữ lại những giá trị chân thật.
Khác với thế hệ trước, tư duy những người trẻ chúng tôi rất khác biệt, có thể tạm chia thành 3 xu hướng: tích cực, bi quan và bàng quan. Những người trẻ tích cực khi thấy cái xấu tin rằng, vận mệnh nằm trong tay mình và mọi thứ có thể được thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Người bi quan cũng thấy cái xấu và cho rằng điều đó không thể thay đổi được. Người trẻ bàng quan không quan tâm, không muốn thử dự đoán về tương lai mà tập trung tìm kiếm cách sống của riêng mình. Cũng có khi, một người trẻ lưỡng lự trước cả 3 xu hướng, lúc tin tưởng, lúc lo ngại, cũng có lúc thấy mình bất lực.
Bước vào đời với hành trang lý thuyết từ trường lớp, thiếu nhất là kinh nghiệm, thanh niên hay đòi hỏi mọi thứ phải đúng và trọn vẹn 100%. Nếu một nghệ sĩ vướng vào scandal, quá trình cống hiến của anh ta sẽ trở thành vô nghĩa, nếu một viên chức tham nhũng thì cả cơ quan đó chính là những người tha hóa, nếu một tuyến phố bị tắc nghẽn thì ngành giao thông chỉ toàn người bất tài… và còn nhiều sự suy diễn khác nữa.
Người già ngược lại, sẵn sàng chấp nhận sai sót. Trong một trăm giáo viên, có 5 giáo viên kém và 95 người tốt thì nhà trường vẫn tốt. Trong hàng nghìn cảnh sát, có một vài người thiếu đạo đức và những người còn lại vẫn tận tụy với nhiệm vụ thì xã hội vẫn biết ơn người chiến sĩ cảnh sát. Người già hiểu không có gì là tuyệt đối.
Người trẻ muốn giàu nhanh, sống vội, thành công sớm… Họ cho mình ít thời gian và cũng cho người khác ít thời gian. Chỉ đến khi nếm trái đắng, người trẻ mới bớt tự tin và đồng ý rằng mọi thay đổi đều cần có thời gian.
Người trẻ thực ra rất háo hức thay đổi và góp phần kiến tạo đất nước. Nhưng họ thiếu một chút điềm tĩnh của người già. Thấy ý kiến của mình chưa được tiếp nhận ngay, điều bức xúc trước mắt chưa được giải quyết ngay, chính sách không thể thay đổi ngay… người trẻ dễ chán nản và buông xuôi. Người Ý có câu nói: “Không phải trong một sáng, thành Rome đã xây xong”, còn chúng ta có câu: “Dục tốc bất đạt”, chính là kinh nghiệm của người già nói với người trẻ lúc vào đời vậy.
Không biết có phải nước ta đang phát triển nhanh chóng, nên người trẻ đã cho rằng suy nghĩ của thế hệ trước không còn phù hợp với mình nữa. Một lớp trẻ biết lắng nghe lời khuyên từ người già sẽ bớt đi nhiều năm trải nghiệm để tiến đến thành công. Suy rộng hơn, quốc gia nào có văn hóa kế thừa nhau qua các thế hệ sẽ có cơ hội phát triển nhanh chóng, quốc gia nào người trẻ phớt lờ ý kiến của người già sẽ có nguy cơ tụt hậu và mắc phải nhiều sai lầm.
Là người trẻ, tôi ước mong sao những người già sẽ mở lòng hơn nữa với chúng tôi, bất chấp những khác biệt về tri thức, điều kiện sống. Mong sao người trẻ dành nhiều thời gian học hỏi, tham khảo ý kiến của những người già để có thêm những kinh nghiệm sống quý báu. Người già không bao giờ hà tiện những lời khuyên, vì vậy nên chăng người trẻ hãy tranh thủ lắng nghe người già trước khi quá muộn.
Chu Ngọc Cường