Thỉnh thoảng tôi cũng xem cùng với con nên biết trên mạng có một anh chàng bảnh trai chuyên nghề giải mã ảo thuật. Với một cái laptop, một cái smart phone, anh chàng tự quay mình, giải thích hay còn gọi là giải mã tất tần tật những trò ảo thuật đình đám, khó hiểu nhất trên thế giới, từ David Copperfield đến Dynamo. Tuy nhiên, sau một thời gian cho con xem thì tôi đề nghị chúng không nên xem nữa vì tôi thấy anh chàng tuổi trẻ đẹp kia tuy có vẻ giỏi, nhưng khi giải mã ảo thuật đã không tránh khỏi cách hiểu, cái nhìn chủ quan của mình. Tôi cũng thấy nhiều lần anh chàng lúng túng bỏ qua những chi tiết mà anh không thể hiểu, đã giải thích một cách lấy được. “Tôi cho là vậy, nhưng cũng chưa chắc”, anh chàng thành thật. Thêm nữa, anh chàng chỉ giảng giải về mặt lý thuyết mà không có ví dụ thực hành. Nghĩa là anh không thể diễn lại trò ảo thuật đó.
Nhưng tất cả những điều đó cũng chưa khiến tôi đề nghị con mình ngừng xem “giải mã”. Lý do cốt lõi ở đây là sau một thời gian xem giải mã ảo thuật, bọn trẻ hầu như không còn hào hứng xem biểu diễn và lười biếng luyện tập. Có lẽ, từ khi xem giải mã, chúng thấy mọi trò ảo thuật, dù khó khăn bí hiểm đến mấy cũng trở nên tầm thường. Chúng không thấy chính mình đã tầm thường khi nghĩ rằng mình giỏi, mình có thể soi ra những mánh khóe ảo thuật kia mà lại soi về mặt lý thuyết chủ quan thôi chứ không thể thực hành. Trong khi đó, một nhà ảo thuật tài năng là người sáng chế ra trò ảo thuật đó, chứ không phải là người diễn lại. Thử tưởng tượng, khi không có gì cả, khi chưa có trò ảo thuật đó xuất hiện thì chúng ta có thể nghĩ được gì, dù là một trò đơn giản nhất?
Sau khi nghe tôi phân tích, bọn trẻ tự nguyện ngừng xem giải mã, tập trung vào tập luyện. Chúng bắt đầu lại với những trò ảo thuật đơn giản và xem ảo thuật một cách hào hứng. Khi tiếp tục học một trò mới, chúng thực sự đặt mình vào vị trí học trò, chứ không phải là người bóc mẽ. Từ chuyện học ảo thuật của con, tôi chợt liên tưởng tới cuộc đời.
Ở đời, như tôi thấy, có những người không làm được cái chi ra hồn cả, chưa từng một lần khởi xướng ý tưởng hay sáng tạo sản phẩm mới, nhưng cứ thích săm soi và hạ bệ người khác. Nhưng ở đời cũng có những người giỏi, thậm chí cực giỏi, cũng chẳng làm gì, hay nói đúng hơn là thích dùng cái giỏi của mình để săm soi và hạ bệ người khác. Chẳng hạn có người rất giỏi ngoại ngữ, nhưng họ chẳng bao giờ có ý định sẽ chuyển ngữ những tác phẩm giá trị để phục vụ cộng đồng. Họ chờ đợi một cơ hội nào đó, khi có một sản phẩm nào đó bị lỗi, thì họ sẽ nhảy vào “đánh cho tan xác”. Lúc đó, ai cũng thấy họ thật tài năng lỗi lạc. Và mọi người chờ đợi họ, sau khi chứng tỏ tài năng của mình sẽ dấn thân vào công việc dịch thuật, giúp ích cho đời. Nhưng không, tuyệt nhiên không có một công trình mới nào từ họ. Cũng không phải họ bận bịu hoặc không còn hào hứng. Họ vẫn đầy ắp thời gian và vẫn tiếp tục hào hứng. Nhưng thời gian đầy ăm ắp và sự hào hứng bất tận của họ chỉ là để săm soi và hạ bệ người khác.
Ấy là nói ví dụ vậy. Ấy là nói về những người tài. Nói cho công bằng thì sự săm soi và hạ bệ của họ cũng góp ích cho đời. Còn hơn những người không tài cán chi mà cứ ngồi phán xét, mà không bao giờ nghĩ rằng chính mình cần phải học, từ những điều đơn giản nhất.
Làm hay soi? Đó là sự chọn lựa của mỗi người. Trong nhiều trường hợp thì soi cũng chính là đã làm. Nhưng xem ra thì soi vẫn dễ hơn làm, nhất là những việc làm mang tính tiên phong, những việc làm chưa ai từng làm. Khi làm những việc khó này, thường rất dễ mắc sai sót, rất dễ bị chỉ trích. Nhưng thử nghĩ, nếu cuộc sống không có những người dám làm ấy, nếu cuộc sống chỉ có những người ngồi một chỗ chực chờ săm soi chỉ trích thì sẽ như thế nào?
Cuối cùng, tôi thường rất vui mỗi khi hai cậu con của tôi thực hiện được một màn ảo thuật mới, tiến dần đến những trò khó hơn. Nhưng, trong tôi vẫn thường trực một mong muốn, ước ao rằng tự chúng sáng chế ra được một trò ảo thuật dù là đơn giản nhất. Hãy nghĩ ra và làm được khi trước mắt ta chưa có gì cả, khi đó niềm vui sẽ vỡ òa. Một niềm vui thực sự của sáng tạo.
Trần Nhã Thụy