Song riêng với bóng đá nữ rất bất ngờ. Các cô gái Việt Nam đã thi đấu ngoan cường và có thể ngẩng cao đầu ra về dù có để vuột huy chương đồng vào tay đội Hàn Quốc vốn từng vô địch Châu Á.
Điều đáng khâm phục các tuyển thủ nữ là ở chỗ, lâu nay, chúng ta chưa có sự đầu tư một cách thỏa đáng cho "các cô gái mặc quần đùi áo số". Cuộc sống của họ, sau mỗi giải đấu là những câu chuyện đầy ngậm ngùi, thương cảm làm cho ta không khỏi suy nghĩ. Nó không phải là câu chuyện của hôm nay mà đã từ rất lâu, họ vốn không được chăm chút và đầu tư kinh phí mặc dù cũng đã nhiều lần vô địch Đông Nam Á. So với các chàng trai đá bóng ở các đội chuyên nghiệp hiện giờ ở trong nước thì mức lương, thưởng quả là một trời một vực.
Có một câu chuyện tôi không thể quên dù cách đây đã 16 năm. Tiger Cup được tổ chức tại Hà Nội năm 1998, anh Phan Anh Tú, trợ lý của ông Alfred Riedl, huấn luyện viên đội tuyển Quốc gia có đến tôi chơi. Tôi vô tình khen cái nghĩa cử rất đáng quý của nhiều mạnh thường quân khi thấy đội bóng của chúng ta được nhiều cá nhân và đơn vị đã hứa thưởng khi họ đoạt huy chương được Đài truyền hình xướng tên rõ oai. Anh Tú tâm sự thật lòng: "Đúng là có nhiều nhà hảo tâm yêu bóng đá thật song nhiều khi chờ họ chuyển tiền thưởng thì rất lâu, thậm chí quên luôn vì tinh thần cuồng nhiệt với bóng đá sau đó lắng dần. Có trường hợp tưởng đã chắc mẩm mười mươi, ấy vậy mà họ quên luôn còn mình thì không lẽ đi giục, cũng rất ngại".
SEA Games 19, năm 1997, khi ta đoạt huy chương đồng ở Jakarta (Indonesia), một Tổng công ty có fax sang điện chúc mừng và thông báo sẽ thưởng cho đội tuyển nam của ta 50 triệu đồng cùng lời hứa thêm nếu đội nữ mà thắng cũng sẽ thưởng tương tự.
Những tưởng bức điện hoành tráng với 2 con dấu cùng 2 chữ ký của Tổng giám đốc lẫn Chủ tịch Công đoàn thì quá yên tâm. Nào ngờ nửa năm sau cả hai đội tuyển có nhận được đồng nào đâu, mặc dù cũng biết rằng Tổng công ty này sau khi nghe tin đội nữ chúng ta cũng đoạt huy chương đồng bèn bắn tiếng cho Liên đoàn Bóng đá, đề nghị chia đôi số tiền 50 triệu đồng nọ cho 2 đội, song cũng chờ nửa năm rồi mà chẳng thấy chuyển.
Hóa ra theo giải thích từ bên Tổng công ty khi tôi điện trực tiếp hỏi họ thì do thiếu đôn đốc, người nọ tưởng người kia đã chuyển nên không kiểm tra lại và họ đã xin lỗi. Anh Phan Anh Tú ngay sau đó cho tôi biết tiền đã được chuyển tức thì về Liên đoàn để chia đôi cho 2 đội bóng.
Hãy tưởng tượng, khi đó (năm 1997), đối với các tuyển thủ nữ, nhiều em không có nghề nghiệp, phụ cấp đá bóng thì chỉ có khi nào lên đội tuyển tập trung. Họ phải bươn chải rất tội nghiệp, người thì đẩy xe bán bánh mì, người thì chạy xe ôm... Vì thế, tiền thưởng với các em thật giá trị vô cùng!
Tôi rất mừng khi vừa rồi, sau khi được vào tới bán kết Cup châu lục, đội tuyển nữ của chúng ta được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thưởng cho cả tỷ đồng với lời động viên sẽ được đầu tư thỏa đáng hơn trước. Rồi sau đó, Thành phố Hà Nội cũng tặng đội tuyển thêm một tỷ đồng nữa. Thật đáng quý bởi đối với các em, đó quả là một số tiền rất lớn nếu biết, họ còn rất cực, thiếu thốn trăm bề. Trong khi đó, tuổi phục vụ cho bóng đá của các em chẳng được mấy năm, tương lai nhìn chung là rất mờ mịt...
Việt Nam chưa đủ cơ sở để đánh giá tuyển nữ chúng ta đã ổn định ở một tầm cao mới. Muốn vậy phải có sự đầu tư nhất định, tránh bị nhận xét kiểu như HLV Alfred Riedl hồi mới đến Việt Nam nhận việc lần đầu: "Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc".
Nhìn lại những nước có bóng đá nữ phát triển ở châu Á thôi như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đủ thấy, cái sự "gieo" nào thì sẽ được "gặt" nấy, nó rất sòng phẳng, không dễ gì mà có được như họ. Dù rằng, với đội tuyển nữ Việt Nam, họ đều là những cô gái phi thường, luôn vì màu cờ sắc áo, đâu có vì chế độ này nọ phải đãi ngộ xứng đáng thì các cô gái của chúng ta mới đá hết mình.
Tại ASIAD 17 vừa qua, họ chính là một minh chứng sống động cho điều đó.
Quốc Phong