Từ thông tin một thanh niên đã đến đổi 100 USD sang tiền đồng, cảnh sát đã ập vào tiệm vàng Hoàng Mai ở quận Bình Thạnh ( TP HCM) khám xét nhiều giờ và thu giữ 15.000 USD, hơn 2.000 baht Thái Lan đồng thời niêm phong 559 lượng vàng SJC. Chủ tiệm chưng ra một số căn cứ chứng minh số vàng và ngoại tệ là tài sản của bà và con cái, nhưng không được chấp nhận, nên đã bức xúc tới mức hoảng loạn tinh thần và phải vào viện, theo lời kể của bà.
Ngay khi báo chí loan tin về vụ việc, dư luận hầu hết đều bênh vực tiệm vàng Hoàng Mai và phản đối cách xử lý của Công an quận Bình Thạnh. Phần đông các ý kiến cho rằng, công an không thể căn cứ vào thông tin của một người tự nhận là đã đến đổi 100 USD để ập vào khám xét cơ sở kinh doanh, và ngay cả khi nghi ngờ thu đổi ngoại tệ bất hợp pháp công an cũng không được phép niêm phong 559 lượng vàng của chủ tiệm. Thậm chí người ta nghi ngờ có sự gài bẫy, sắp xếp từ trước.
Ba ngày sau vụ việc, trong lúc vẫn tiếp tục điều tra, Công an Bình Thạnh đã phải giải tỏa niêm phong số vàng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước một mặt cho biết Hoàng Mai không thuộc diện được kinh doanh vàng miếng và thu đổi ngoại tệ, mặt khác cũng khẳng định cơ quan chức năng không được niêm phong vàng nếu không có bằng chứng chứng minh giao dịch trái phép.
Tôi đã đem câu chuyện Hoàng Mai đi hỏi chủ tịch một doanh nghiệp kinh doanh vàng quy mô lớn. Ông bảo Hoàng Mai không hoàn toàn oan ức, vì công an đã phát hiện những dấu hiệu kinh doanh ngoại tệ trái phép. Nhưng sẽ là vi hiến nếu chỉ vì 100 USD giao dịch trái phép mà xồng xộc vào khám xét, niêm phong vàng của doanh nghiệp, thu giữ tài sản cá nhân.
Đúng là công an đã đi quá phận sự của mình, theo cái cách lâu nay họ vẫn thường hình sự hóa các vi phạm hành chính, khiến những người kinh doanh bao phen khốn đốn.
Nhưng tôi băn khoăn, Hoàng Mai giữ một lượng vàng miếng lớn như vậy tại nhà để làm gì?
559 lượng vàng theo thời giá hiện nay tương đương gần 20 tỷ đồng, gấp 10 lần mức lợi nhuận tối thiểu của một doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Cũng 560 lượng vàng đó, một doanh nghiệp với quy mô vài chục điểm giao dịch có thể đủ dùng để kinh doanh trong một ngày mà thị trường ảm đạm như hiện nay.
Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng miếng có hiệu lực từ 25/5/2012. Bên cạnh việc nắm độc quyền sản xuất vàng miếng, quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép cho 2.500 điểm giao dịch được kinh doanh vàng miếng, với các điều kiện ngặt nghèo về tài chính cũng như kinh nghiệm tham gia thị trường. Trong đó, một doanh nghiệp chỉ được kinh doanh vàng khi vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng và hai năm liên tiếp gần nhất phải có số thuế đã nộp từ hoạt động kinh doanh vàng tối thiểu 500 triệu đồng mỗi năm.
Đây là đòn giáng đầu tiên và cũng là mạnh nhất vào giới kinh doanh vàng. Hàng chục nghìn tiệm vàng không được cấp phép, từ 10/1/2013 chỉ có thể kinh doanh nữ trang hoặc chuyển nghề, thậm chí đóng cửa. Họ đã phản ứng rất quyết liệt và bất bình khi các ngân hàng - từng là tay to tạo sóng giá vàng - lại được quyền kinh doanh vàng miếng.
Hơn một năm trôi qua, người ta không còn bàn nhiều về chuyện cấm cản cửa hàng nhỏ kinh doanh vàng miếng nữa. Nhưng tôi dám chắc từ đầu năm 2013 đến nay, những cửa hàng không phép ấy không thể sống được chỉ nhờ kinh doanh nữ trang, khi mà bản thân các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nữ trang quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng thời gian qua chủ yếu sống nhờ vàng nhẫn – thứ phương tiện có chức năng bảo toàn tài sản không khác gì vàng miếng.
Tôi từng tham gia một cuộc trò chuyện với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi bắt đầu thực thi Nghị định 24. Ông nói mong mỏi của Ngân hàng Nhà nước khi tham gia cuộc chiến dẹp loạn thị trường vàng là làm cho dân chán vàng, để dân không trở thành nạn nhân của những cơn sóng đầu cơ, khiến tỷ giá trồi sụt ngoài tầm kiểm soát và đe doạ ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường vàng từ tháng 8 năm ngoái tới nay gần như lặng sóng, không còn cảnh đổ xô bán mua, thậm chí vác bao tải tiền đi mua vàng như trước. Ngân hàng Nhà nước 4 tháng nay đã ngừng bán vàng ra, sau khi cấp tập đấu thầu 70 tấn vàng giúp các ngân hàng tất toán trạng thái và điều hoà cung cầu trên thị trường.
Chừng đó chưa đủ để khẳng định người dân đã chán vàng. Những ngày đầu thực thi Nghị định 24, cá nhân Thống đốc đã nhận nhiều lời hăm dọa của các tay to buôn vàng.
"Ghê răng lắm" - đó là câu đầu tiên tôi nghe thấy mỗi lần hỏi thăm một vị lãnh đạo trực tiếp tham gia điều hành thị trường vàng. Thậm chí ông từng buột miệng thề độc khi có quá nhiều nghi ngờ chính sách vàng chỉ phục vụ lợi ích nhóm về vàng.
Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy nhà giàu ở Mỹ thường có xu hướng tích trữ bất động sản, còn nghèo thì thích mua vàng. Ở Việt Nam, người làm công ăn lương, nông dân nhiều đời nay vẫn chưa bỏ được tâm lý tích trữ của cải bằng vàng. Và ngay cả người giàu, họ cũng rất yêu vàng khi mà lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh, và vàng là công cụ tuyệt vời để cất trữ tài sản mà không lo phải chứng minh nguồn gốc tài sản ở đâu.
Khi Nghị định 24 đang trong quá trình dự thảo, người ta có lúc đã nghĩ tới chuyện cấm dân sở hữu vàng, rồi chỉ cho phép bán vàng mà không được mua. Nhưng rồi tất cả những ý tưởng đó đã bị đánh bại.
Phản ứng của chủ tiệm vàng Hoàng Mai và cách chủ tiệm chứng minh nguồn vàng để buộc cơ quan chức năng giải toả niêm phong, phần nào cho thấy tình yêu với vàng còn lớn lắm.
Thanh Thủy