Chúng tôi, gồm có tôi và nhiều nhà báo, họa sĩ, bạn bè, bạn của bạn bè - những người chúng tôi chỉ biết tên không biết mặt, thậm chí không biết cả tên, suốt gần hai năm rưỡi chung tay vì con đường, góp từng đồng cho đến lúc con đường thông xe về mặt kỹ thuật, gần 20 cây số.
Đồng Mậm vốn là một ốc đảo, bị cô lập giữa hồ thuỷ điện Cấm Sơn, xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn. Thôn không có điện, không có trường, không có trạm xá, không có đường vào, không thông tin liên lạc. Buổi sáng, lũ trẻ đi học phải tự chèo thuyền hơn hai tiếng đồng hồ qua lòng hồ rộng, sâu.
Chúng tôi đã quyên góp khoảng 800 triệu đồng để xuyên qua núi, nối liền Đồng Mậm với phần còn lại của xã Sơn Hải. Chúng tôi quyên từng giờ máy xúc, mỗi giờ 500 nghìn đồng. Chúng tôi bán tranh, bán gốm, bán thơ, và mọi thứ mà bạn bè văn nghệ sĩ của tôi quyên góp để mang hy vọng mới cho Đồng Mậm. Tôi nhiều lúc nghẹn ngào nhìn những dòng chữ giản dị đề ngoài phong bì “Vì con đường Đồng Mậm” mà tôi được trao tận tay.
Ngày bàn giao con đường đáng lẽ phải là một ngày vui. Vậy mà đến lúc bàn giao ấy, bỗng dưng thấy hụt hẫng, như mình đã bỏ mặc lại giữa núi rừng ngút ngàn một con đường đất lam nham chưa hoàn thiện, như mình đã không làm tròn một công việc.
Ngày chúng tôi lên, xã khánh thành một trụ sở mới khang trang, tất nhiên bằng tiền xây trụ sở thuộc chương trình 135 của chính phủ dành cho các xã nghèo, không liên quan đến con đường. Con đường vẫn nằm đấy, xuống cấp bởi không được vét rãnh và tu bổ suốt gần năm trời. Đâu là ý chí của người dân khi chưa có con đường? Đâu là thái độ quyết tâm làm đường của chính quyền địa phương?
Ngày ấy cô Thạo, hiệu trưởng trường Sơn Hải viết cho tôi rằng bao đời nay người dân ở đây mơ ước con đường, có người nhắm mắt rồi vẫn ước mơ con đường về thôn. Giờ có đường, có điện, nhưng người dân có vẻ như đã thôi tha thiết.
Mỗi lần lên Đồng Mậm đưa thêm tiền cho người dân thuê máy ủi, máy lu, lòng lại tràn hy vọng con đường đã tốt hơn, đã êm hơn cho những bước chân trẻ nhỏ có thể đi. Đi vào con đường mới thấy đi lại vẫn gian nan lắm, đường xấu, sau mưa thì đừng nói chuyện đi lại bằng xe máy, trẻ em tất nhiên chưa thể đi… mà thấy đắng miệng. Mục tiêu làm đường cho các cháu không phải đi học bằng thuyền ban đầu coi như chưa đạt được.
Bây giờ tôi chỉ biết hy vọng rằng con đường chúng tôi đã xây sẽ không bị bỏ quên trong núi. Để con đường hoàn thiện, sẽ cần thêm nhiều tiền lắm. Nhưng cần thêm nhiều hơn nữa là lòng mong muốn có con đường và tinh thần làm chủ của người dân ở đây.
Liệu câu chuyện của con đường Đồng Mậm mà chúng tôi đã xây lên có phải cá biệt? Hay nó cũng là tinh thần của nhiều dự án “viện trợ” khác mà chúng ta đã nhận được trong suốt nhiều năm qua?
Của biếu không phải lúc nào cũng là của lo. Cái đáng lo hơn, phải là khi chúng ta không coi những thứ được nhận là của mình.
Phạm Thanh Hà