Tôi gọi đấy là những lúc mà công lý bị “delay” - vì chúng gợi tôi nhớ đến những thông báo theo kiểu sân bay: Bạn sẽ bị delay 10 phút, 20 phút, rồi 1 giờ, rồi có thể nửa ngày, vì một lý do nào đó.
Hồi tháng 4/2016, Đội 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội lập văn bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Viet Foods và tạm giữ 2,2 tấn xúc xích do nghi chứa chất cấm gây ung thư sodium nitrade. Doanh nghiệp này sau đó được xác định không sai phạm và sản phẩm của họ an toàn. Họ được trả lại số hàng bị thu giữ nhưng không kèm theo bất cứ lời xin lỗi hay động thái minh oan công khai nào từ phía Cục quản lý thị trường Hà Nội. Doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng, đứng bên bờ vực phá sản.
Gần 9 tháng sau, hôm 10/1, Thủ tướng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân có sai phạm trong vụ việc. Một vấn đề hành chính, đáng lý không đến tầm ủy ban thành phố đã phải đợi đến sự lên tiếng của lãnh đạo chính phủ.
Những sự việc oan uổng tương tự không hiếm. Ví như chuyện của ông Lương Ngọc Phi - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Hòa Bình. Ông Phi từng ngồi tù oan tổng cộng 1.066 ngày về tội danh “trốn thuế” và “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" trước khi được minh oan.
Nhưng về sau, hành trình đòi đền bù của "doanh nhân oan" Lương Ngọc Phi còn dài hơn thời gian ngồi tù bởi 6 lần thương lượng bất thành với các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình. Sau khi có bản án bồi thường, cũng phải mất một năm, ông Phi mới nhận được tiền bồi thường về tổn thất tinh thần và giảm sút sức khỏe từ Bộ Tài chính.
Còn tiền bồi thường thiệt hại tài sản, thì đã hơn 15 năm ông chưa nhìn thấy. Cho dù từ khi vướng vào oan sai, tất cả công việc kinh doanh và cuộc sống của gia đình ông Phi đều hoàn toàn bị đảo lộn. Sự việc cũng chỉ được gọi bằng một cụm từ rất đơn giản và nhẹ nhàng: “vụ việc dân sự”. Và bởi vì khái niệm ấy quá nhẹ nhàng, nên nó mới lâu đến thế?
Nhưng một vấn đề hành chính hay dân sự bị delay có thể dẫn đến hậu quả đau lòng. Đó là mâu thuẫn giữa Công ty Long Sơn và những người nông dân ở Đăk Nông. Trong những năm qua, người dân tố cáo Long Sơn hủy hoại tài sản của họ. Tuy nhiên, tiến độ điều tra chậm chạp đến bất ngờ.
Ngày 23/10/2016, người dân đã dùng súng tự chế bắn vào nhóm người của Công ty Long Sơn đến "giải phóng mặt bằng" khiến ba người chết, 16 người bị thương. Đau lòng. Và người ta tự hỏi nếu như trước đó có một quyết định hành chính đơn giản, ví dụ như yêu cầu công ty Long Sơn dừng thi công trên phần đất đang tranh chấp, thì sự việc đau lòng có xảy ra?
Sau tất cả, ông Phi chỉ mong sớm nhận được tiền bồi thường cho hơn 1.000 ngày ngồi tù oan.
Chủ cơ sở Vietfoods chỉ mong nhận được lời xin lỗi của cơ quan quản lý thị trường.
Ông Lương Ngọc Phi, giờ đã 67 tuổi, chỉ mong "các cơ quan chức năng sớm thi hành án để tôi kịp nhìn thấy công lý được thực thi khi tuổi cao, sức yếu, không còn sức lao động”.
Người ta tự hỏi rằng các quyết định ấy có gì khó khăn đến mức chúng cứ bị trì hoãn? Đó là những vấn đề hành chính. Đó là những vụ việc dân sự. Nhưng khi chúng bị trì hoãn, thì công lý cũng đến muộn.
Hay là bởi vì chúng có một điểm chung: một bên là các cơ quan quan liêu, còn bên kia là dân, nên công lý của “vụ việc dân sự” cũng bỗng nhiên khó... đến kịp giờ?
Trần Anh Tú