Nhưng suốt chặng đường đi từ Buôn Ma Thuột về đến xã Đăk Phơi, một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, những cán bộ y tế đi cùng tôi, từ huyện đến xã, liên tục nói về một con số. Mười tám nghìn bảy trăm năm mươi đồng - 18.750 đồng - là số tiền cán bộ y tế xã nhận cho mỗi ngày trực 24 tiếng.
Ở trên huyện, anh bác sĩ nhớ là “hơn mười tám nghìn đồng”. Xuống đến xã, chị y sĩ nhớ chính xác đến hàng đơn vị, là “mười tám nghìn bảy trăm năm mươi đồng”. Con số ấy bật ra như thể nó đã nằm trong đầu chị từ lâu lắm. Ở xa thẳm trong những rẫy cà phê này, đồng bào M'Nông không biết một chữ tiếng Kinh, đi làm rẫy thuê, mỗi ngày cũng kiếm được hơn một trăm nghìn đồng. Con voi già oằn mình chở khách du lịch đi lắc lư trong buôn, cũng được “cát-xê” hơn một trăm nghìn đồng. Nhưng bác sĩ là hơn mười tám nghìn đồng, để chạy xe từ huyện vào xã và trực 24 tiếng.
Trong hệ thống văn bản về chế độ phụ cấp cho ngành Y, tôi không rõ con số này được nhân lên bởi hệ số nào. Nhưng những mức phụ cấp cho bác sĩ mà tôi nhìn thấy trên giấy cũng vẫn ít hơn tiền cà phê của chính mình - 25.000 đồng, 32.500 đồng... mỗi ngày trực.
Hẳn là có người sẽ lập luận theo kiểu thành thị, là công chức có ai sống bằng lương? Thế thì có lẽ bạn cần đến tận nơi, đứng giữa con đường đất đỏ nắng cháy và nhìn ra bốn bề nương rẫy. “Nếu thuốc bảo hiểm mà hết, một viên thuốc cảm người ta cũng chẳng mua” - chị H Bình Niê, phó trạm Đăk Phơi cười. “Làm gì có tiền mà mua”.
Ở nơi ấy, đàn ông đi làm rẫy kiếm tiền uống rượu và đong gạo, đàn bà ở nhà hái rau rừng luộc chấm muối. Một đồng thừa ra mua viên thuốc cảm cũng không có.
Ở nơi ấy, chị y sĩ H Bình Niê, dáng vẻ đậm thấp và phúc hậu của một phụ nữ M'Nông, cười đùa vui vẻ: Cười khi kể về con số 18.750 đồng, cười khi kể về việc cán bộ nơi này, phải xin đồng bào để được chữa bệnh. Trẻ con sốt rét, đồng bào cúng trời cúng đất. Bác sĩ phải lặn lội xuống tận nơi xin được tiêm. Mỗi chiến dịch tiêm chủng thì vắc-xin phải gùi đi bộ mấy chục cây số vào tận buôn làng. Chứ chờ đồng bào tự tìm ra “điểm tiêm chủng” thì không có. Chị cứ vừa kể vừa cười. “May, chưa có trường hợp nào chết vì hủ tục”. Chắc chị quen rồi, tôi thì thấy đắng.
Cô bác sĩ trên bệnh viện tỉnh còn hỏi tôi rằng, anh đã thấy nơi nào bác sĩ phải trả tiền cho người ta để xin họ để con lại chữa bệnh chưa?
Ở nơi ấy, chế độ “bồi dưỡng” mà bệnh nhân dành cho bác sĩ là bốn mươi cây số lội đường đất đỏ giữa mùa bão để vào buôn tiêm vắc-xin. Nó là một cuộc “thi gan” mà cuối cùng bên “thua” là các bác sĩ, vì tính mạng và sức khỏe những đứa trẻ con.
Có một giáo sư người Mỹ, vào thập kỷ 1970, đề xuất một khái niệm gọi là “thành kiến đô thị”. Tức là những người sống ở đô thị, với thế giới quan và lợi ích khác, chỉ đánh giá mọi thứ theo quan điểm của họ, thậm chí xây dựng chính sách theo quan điểm đó - vì họ có nhiều cơ hội tác động chính sách hơn.
Chúng ta có mang thành kiến ấy không? Đúng là ở các thành phố lớn, tiêu cực xảy ra nhiều trong bệnh viện. Nhưng đó là nơi mà các bác sĩ có “quyền lực” để lạm dụng. Có công bằng không, khi đánh đồng tất cả bằng một khái niệm chung chung là “y đức”, tái định nghĩa bác sĩ là “lương y như từ mẫu, phong bì tựa trẻ thơ”. Bởi vì trên đất nước này, phần lớn dân số vẫn sống ở nông thôn, miền núi, vẫn có rất nhiều cán bộ y tế làm việc với những bệnh nhân đắn đo, hay thậm chí không thể mua một viên thuốc cảm. Họ không có gì để “lạm dụng”.
Ở nơi ấy, tôi đã thấy, trên ngọn núi cao, có những bác sĩ đau lòng: họ cũng vừa mới có Internet (dù rất chậm), và hàng ngày đọc báo, biết rằng nghề nghiệp của mình đang bị kỳ thị thế nào. “Chúng tôi ở đây cũng làm hết sức mà” - họ nhăn nhó, không biết trình bày tiếp ra sao nữa... Có lẽ không chỉ ngành Y đang phải mang cái “thành kiến” ấy.
Anh cán bộ y tế xã, đi đôi dép mòn vẹt dắt chúng tôi lội suối vào trong buôn, giữa trời nắng gắt. Trên đường đi ra, tôi rút túi ra tờ bạc, định đưa anh “bồi dưỡng”. Nghĩ cũng bình thường. Nhưng đồng nghiệp lớn tuổi đi cùng ngăn lại. “Không, không làm thế” - anh gắt. Tôi xấu hổ quá. Tôi đã nghĩ và hành xử theo một nếp đô thị điển hình.
Đức Hoàng