Ai cũng biết Chợ Trời ở Hà Nội là nơi người ta có thể tìm thấy đủ mọi thứ thượng vàng hạ cám, đặc biệt là… phụ tùng xe ăn cắp, từ gương ôtô cho đến biển số. Tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp người bị hại dễ dàng tìm lại đồ bị mất tại Chợ Trời, sau khi thực hiện hai thao tác: một là cung cấp cho chủ cửa hàng thời gian, địa điểm mình “gặp hạn” và hai là trả tiền “mua” lại món đồ. Quy trình vô cùng đơn giản ấy nói lên quyền lực ghê gớm của Chợ Trời. Nhưng sau bao năm cái chợ ấy vẫn hiên ngang tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại trung tâm Thủ đô, bất chấp thực tế ai cũng hiểu: nó kinh doanh hàng ăn cắp, ăn trộm.
Chúng ta dường như đã quen và chấp nhận sự công khai của những thứ mà ai cũng biết rõ mười mươi là phạm pháp. Người dân không khó, thậm chí có thể chỉ ra đích danh những địa điểm, những nơi “có vấn đề”. Nhưng dường như nó lại vô hình trong con mắt nhà chức trách dù không nằm ngoài vùng kiểm soát của họ.
Tôi cho rằng để xảy ra những câu chuyện tương tự như kiểu Chợ Trời không phải là lỗi, trách nhiệm của riêng ai, mà nó là một vòng tròn tội lỗi khép kín của cả xã hội. Với các cơ quan công quyền, ngay cả khi không đặt nghi vấn là liệu có tiêu cực hay không thì họ vẫn đương nhiên có lỗi. Vẫn biết là có rất nhiều khó khăn đối với lực lượng chức năng như nhân sự mỏng, phải xử lý dựa trên những chứng cứ quả tang… nhưng dù có đưa ra bất kỳ lý do gì thì rõ ràng họ vẫn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, trọng trách của mình.
Tội của những người ăn cắp đã quá rõ ràng. Nhưng còn với những người bán hàng ở Chợ Trời, sai phạm của họ thậm chí còn lớn hơn cả những kẻ đạo tặc. Bởi họ là người biết rõ hơn ai khác việc mình làm là phạm pháp. Chắc chắn nếu đồ gian không thể tiêu thụ một cách dễ dàng, thì nạn trộm cắp cũng sẽ không bùng phát dữ dội đến thế.
Tuy nhiên, đấy vẫn chưa phải là tất cả. Có thể chính tôi và bạn cũng không nằm ngoài cái vòng tròn tội lỗi ấy. Việc người bị mất đồ chẳng ngần ngại bỏ tiền ra chuộc lại món đồ của mình cũng là một hình thức tiếp tay cho cái xấu. Rồi sự bàng quan, thờ ơ của chúng ta (những người không liên quan trực tiếp) trước cái xấu cũng là một thứ tội lỗi khác. Tôi đã thấy có không ít người chia sẻ việc họ bị cướp giật giữa phố đông, nhưng khi tri hô lên thì chẳng được ai giúp đỡ. Phần lớn những lời kêu cứu ấy chỉ nhận lại được sự vô cảm của đám đông, như thể đấy chẳng phải việc của họ. Thế mới có chuyện những tên trộm ngang nhiên nhảy xuống bẻ gãy gương xe khi chiếc xe đang đỗ lại dừng đèn đỏ.
Khi người ta chấp nhận thỏa hiệp với cái ác, cái xấu hoặc coi nó là điều bình thường thì đấy chính là điều kiện để chúng có thể lây lan và tiếp tục tha hóa con người. Và không ai dám đảm bảo, một lúc nào đấy những đồng tiền “bẩn” kiếm được từ những chỗ tương tự Chợ Trời không được dúi vào tay ai đó trong số chúng ta theo một cách không minh bạch và chính đáng để chạy chọt hoặc phục vụ một vụ việc mờ ám nhất định. Tất cả đều có thể xảy ra trong một cái vòng tròn tội lỗi với sự tham gia của cả người dân lẫn công chức.
Trong bộ phim tài liệu nổi tiếng “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy có một đoạn lời bình: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”.
Và khi một đất nước bất lực, không thể giải quyết, quét sạch những thứ đơn giản như Chợ Trời chứ chưa nói những chuyện xấu xa và phức tạp hơn (là bất công, tiêu cực, tham nhũng) thì dường như vấn đề không còn chỉ là cái Chợ Trời, mà là cả sự tử tế của xã hội.
Phan Tất Đức