Từ cách đây hàng chục năm, cái hộ khẩu đã bị đem ra chém chặt. Dư luận vẫn có hai luồng ý kiến trái ngược. Một, hầu hết của những người dân sinh ra tại TP HCM hoặc Hà Nội, lên án người ngoại tỉnh tụ về TP quá đông, "Tết đến dân tỉnh về quê hết, Sài Gòn thoáng đẹp bất ngờ" như nhận xét cửa miệng của rất nhiều người. Luồng kia tất nhiên thuộc về những người đang cần hộ khẩu để mua nhà, mua xe, đứng tên tài sản, khai chủ doanh nghiệp, nhập học cho con. Lý lẽ của bên này là luật pháp cho tự do cư trú, mắc mớ gì chính quyền thành phố đẻ ra các giấy phép con để hạn chế dân cư? Điển hình như trường hợp học sinh lớp 10 vừa viết thư gửi Chủ tịch nước kể chuyện không có hộ khẩu bị đuổi khỏi trường công.
Ngành công an càng có cơ sở để bảo vệ cái hộ khẩu, như là cơ sở để quản lý dân cư trên địa bàn, bắt tội phạm (nhưng kẻ phạm tội thực sự có bao giờ khai báo?)
Xét ra, cả hai bên đều có lý. TP HCM và Hà Nội từ lâu trở thành chỗ trũng hút dân cư cả nước. Nhà ở, giao thông, trường học, bệnh viện... vốn được tính toán cho chỉ một lượng người nhất định nay phải gánh hàng trăm lần hơn, đương nhiên bệ, xuống cấp, quá tải, hết hơi. Đoàn người nhập cư ồ ạt tràn vào thành phố, nhiều người trong số đó sống bằng những nghề lao động chân tay nheo nhóc. Những cảnh tượng mưu sinh lam lũ khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, thậm chí lầm than. Nhiều người bưng nguyên nếp sống và lối hành xử "tiểu nông" tùy tiện, tư lợi, vô kỷ luật, thậm chí ỷ nghèo để hành động bất chấp... vào cuộc sống đô thị, gây bất bình và chia rẽ sâu sắc, tuy ngấm ngầm, giữa "dân thành phố" và "dân nhà quê".
Có những lý do hết sức dễ thấy khiến người Hà Nội than, Hà Nội ngày càng xấu đi, và Sài Gòn từ lâu đã đánh mất danh xưng "hòn ngọc Viễn Đông" một thuở.
Không ai dám coi thường những người lao động chân tay nghèo, nhưng rõ ràng những "xóm liều" Hà Nội, những "khu ổ chuột" ngoại thành Sài Gòn, có tỷ lệ dân cư cao là người nhập cư lao động nghèo. Để tiết kiệm chi tiêu, họ chấp nhận sống ngay trên kênh rạch nước đọng, trong những khu lều lụp xụp, uống nước giếng khoan, thiếu điện, đào hố sau nhà để đổ rác, ngủ chung xếp lớp trên những bộ ván đóng tạm, làm đủ mọi nghề chân tay thu nhập rất thấp.
Tỷ lệ người tạm trú ngắn hạn quá cao nên kẻ phạm tội lợi dụng trà trộn, kéo theo nạn nghiện ngập, đĩ điếm, trộm cắp, cướp giật.. Hai thứ cộng lại khiến ai cũng ngán sống ở các khu vực này. Khi dành dụm đủ tiền, những người nhập cư nghèo cũng thường rời nơi đó kiếm mua nhà nơi hạ tầng tốt hơn, môi trường an ninh hơn và con cái không bị ảnh hưởng bởi hàng xóm xấu. Chính vì vậy, các khu vực dân cư sinh sống ổn định, nghề nghiệp ổn định, thu nhập trung bình khá trở lên mới được các công ty bất động sản rao kèm thông tin "khu dân trí cao", như là một giá trị cộng thêm. Như thế, thực tế cuộc sống đã gán cho hộ khẩu tính năng "phân loại" dân cư khá hài hước, vì phải mua nhà xong thì mới có hộ khẩu.
Hiện nay, theo quy định có đến 4 loại xác nhận cư trú. Đó là hộ khẩu (KT1), KT2, KT3 và KT4. Thực ra nếu bình tĩnh theo đúng quy định thì làm hộ khẩu cũng không nhiều khó khăn, vì tạm trú ổn định một năm là được cấp KT3. KT3 có thể thay thế hộ khẩu trong khá nhiều trường hợp, kể cả mua nhà của cá nhân và cho con đi học trường công (tại TP HCM).
Tuy nhiên, cũng chính yêu cầu "tạm trú ổn định ít nhất một năm ở một nơi" khiến người dân xem như bó tay trong khi chờ đợi. Giấy tờ các loại phải về quê chứng. Tài sản phải kiếm người đứng tên. Giống như sống nhờ. Nên đa số trường hợp xin tư vấn tại các văn phòng luật sư hoặc nhờ "chạy" hộ khẩu chủ yếu xuất phát từ số người này (đông lắm). Số khác, nhiều người ngoại tỉnh sống bình tĩnh ở nhà người thân trong thành phố nhiều năm nhưng không thèm đăng ký tạm trú, đến khi có con, có việc mới rối lên, chạy quýnh. Sự lười nhác và tùy tiện của họ cũng đủ nuôi "cò" sống khỏe.
Ghét cái hộ khẩu tác oai tác quái, người dân la làng đòi bỏ hộ khẩu, thay bằng CMND là đủ. Thực ra nguyên nhân làm khó dễ không nằm ở tên gọi. Nếu bỏ hộ khẩu để rồi khó dễ khi cấp CMND thì cũng rứa! Lý do vị chuyên gia nào đó viện ra là cơ quan công an không đủ khả năng kỹ thuật để làm CMND đầy đủ tính năng tương tự như thẻ (và số) an sinh xã hội của Mỹ chẳng hạn, nghe lại càng ngộ nghĩnh. Nhà nước ta làm được tuốt!
Tôi cho rằng, nguyên nhân thực sự khiến các nhà quản lý dùng dằng giữ hay bỏ hộ khẩu hoàn toàn không nằm ở các lý do trên. Nó chính là sự bối rối và bất lực nhiều năm liền trong quy hoạch kinh tế ở quy mô quốc gia.
Việt Nam dài như chiếc đòn gánh, hai thúng là Hà Nội và TP HCM. Hai chỗ trũng này hút người ta về như thiêu thân. Vì khắp cả nước, chỉ Sài Gòn - Hà Nội mới có nhiều cơ hội việc làm cho cả trí thức lớn lẫn phu phen tạp dịch. Người ta đổ về Hà Nội, Sài Gòn để có trường tốt, bệnh viện hay, bác sĩ giỏi, thị trường lớn, đối tác kinh doanh, viện nghiên cứu, các tập đoàn làm ăn lừng lẫy. Nếu cần cù, ai cũng tìm thấy ở thành phố sự thăng tiến và phát triển. Đến những ngôi sao trong ngành giải trí cũng coi Sài Gòn là đất hứa.
Đất chật người đông nên những hệ lụy đủ kiểu từ các điều kiện cư trú chỉ phát sinh tại hai thành phố này. Còn ở Si Ma Cai (Lào Cai) ư, biếu thêm tiền chắc gì đã có người tới. Ngay cả Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ... những đô thị không phải là không "ngon lành" mà còn phải trải thảm đỏ gọi người. Trong khi Sài Gòn, Hà Nội đau đầu đuổi người đi không hết.
Đã có ai hỏi vì sao Sài Gòn, Hà Nội luôn luôn vắng tanh vào ngày Tết? Đó là vì những người nhập cư, khi chưa đủ sự ràng buộc (con cái, nhà cửa, công việc) thì thâm tâm họ vẫn chỉ coi đó là nơi kiếm tiền chứ chưa phải nơi sinh sống. Ngày nghỉ họ lập tức về quê xả stress, hưởng sự đầm ấm của đại gia đình dòng tộc. Hết nghỉ quay lên tiếp tục cày bừa. Tâm lý đau đáu nhớ quê kiếm đường thấm ra ở đủ mọi thứ, từ quán ăn đặc sản, các nhóm đồng hương, nhớ tiếng gà trưa, nhớ mẹ nhớ cha, nhớ khói đốt đồng... chao ôi là nhớ nhung hoài niệm. "Dân thành phố" nửa đùa, nửa thật hỏi nhớ quê vậy sao không về quê sống, cứ "bám" thành phố làm gì? Nếu họ biết được rất nhiều người Việt cũng đang hết sức "bám" các đất nước văn minh hơn thì sao nhỉ?
Đất lành chim đậu, ấy là tất nhiên.
Tôi dám đảm bảo, nếu mấy chục địa phương còn lại cũng đáp ứng được các điều kiện nói trên như Hà Nội, Sài Gòn, chắc chắn dân số hai thành phố này sẽ giảm tuột dốc trong tích tắc. Cái hộ khẩu thần thánh sẽ mất trụi phép thiêng.
Do vậy, đừng trút giận lên đầu cái hộ khẩu vô tội. Nó chỉ là một biện pháp mà các nhà quản lý dùng để hạn chế và thanh lọc dân cư trong sự lúng túng. Lúng túng nên đẽo cày giữa đường: bị la làng thì thả, thả rồi thấy ngoài tầm tay lại siết.
Có một cách giúp cả hai thoát khỏi vòng kim cô của cái hộ khẩu: người dân yêu cầu chính quyền đảm bảo các điều kiện cơ bản về việc làm, sinh sống, giáo dục, chữa bệnh ngay tại nơi mình sinh ra. Ít nhất không một trời một vực với Sài Gòn - Hà Nội như hiện nay. Chính quyền thì trấn tĩnh lại, quên sự giằng co đầy tính vuốt ve với các phản ứng tức thời của người dân để tập trung sắp xếp, quy hoạch lại các đô thị.
Thực ra, từ cách đây mười mấy năm đã có một chủ trương lớn nhằm phát triển đồng đều các địa phương, hạn chế tăng dân số cơ học vào các thành phố lớn. Chủ trương đó tên là "Ly nông không ly hương". Nhưng cho tới giờ, trên các báo chí địa phương vẫn ngày ngày bàn cách làm sao thực hiện nó.
Hàng năm rất nhiều đoàn cán bộ của ta công cán các xứ văn minh để học hỏi. Tôi cũng yên tâm, chắc thế nào họ cũng học được cách làm tiến bộ của xứ người.
Tôi chỉ hỏi thêm: bao giờ họ học xong?
Hoàng Xuân