Là người con của Hải Dương, tôi hiểu đấy từng là niềm tự hào là của cả nền công nghiệp miền Bắc, chứ không phải riêng người Hải Dương.
Nhưng nói đến sứ Hải Dương hiện nay chẳng ai biết nó đã “chết” hay vẫn còn tồn tại. Tôi không biết. Đem hỏi những người cùng quê, cũng không biết.
Những lần ít ỏi về thăm quê, đi qua nhà máy sứ, tôi chỉ thấy một khung cảnh hoang tàn, khác hẳn khi còn nhỏ. Có một dạo, đến cả cái tên “Công ty sứ Hải Dương” lớn trên cánh cổng cũng không còn lành lặn, rơi mất chữ, mấy năm không thấy được thay. Những bức tường cáu bẳn, bong tróc.
Có thể nhà máy sứ bây giờ không còn liên quan mấy đến bức tranh kinh tế vĩ mô của Hải Dương. Nhưng khi một người bạn hỏi hình ảnh tôi nhớ về quê nhà, tôi lại quyết định kể về nhà máy sứ. Nó đã từng là một biểu tượng. Và bây giờ, cái biển tên bong tróc của nó, gợi ra nhiều cảm xúc.
Nội lực yếu, Hải Dương trông chờ vào nguồn vốn đầu tư từ ngoài. Cứ thỉnh thoảng, tôi lại phải đọc về một khu công nghiệp nào đó quy hoạch rồi nhưng bị bỏ hoang – người nông dân mất đất sản xuất, than trời vì không có việc làm. Ngay cả với các khu công nghiệp có hoạt động, có năm, chỉ trong vòng 6 tháng đầu, đã "thải" ra gần 14.000 lao động.
Trong suốt cả thập kỷ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương cao nhất chỉ đứng vị trí thứ 29 (từ tận năm 2009). Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, Hải Dương đều tụt hạng.
Trong bức tranh ấy, thì Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh, cơ quan tham mưu chính về vấn đề việc làm, trong tổng số 46 biên chế, có tới... 44 lãnh đạo cấp phòng trở lên
Trong bức tranh ấy, ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh, vì “sơ suất” do anh em cấp dưới trình lên và ông này “không xem xét kỹ”, nên đã đặc cách cho… con ruột mình giữ chức Phó phòng tại Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương.
Thực tế, với đặc thù của nền công vụ Việt Nam thì đưa một người vào biên chế đã khó, nhưng để đuổi họ ra lại còn khó hơn. Với vị trí lãnh đạo cũng tương tự như vậy. Khi một cá nhân đã được bổ nhiệm thì sẽ gần như không có chuyện bị mất chức (chỉ trừ khi vi phạm pháp luật).
Còn ngay cả khi cá nhân ấy làm việc không hiệu quả, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về cũng rất khó có chuyện người này bị mất chức. Vì thế, bất kì sai lầm nào trong công tác cán bộ, đặc biệt là với cán bộ lãnh đạo sẽ đều phải trả giá rất đắt.
Điều nguy hiểm là tình trạng bổ nhiệm nhầm người này đang diễn ra phổ biến. Từ Nam chí Bắc, từ Trịnh Xuân Thanh cho đến trưởng phòng Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, những cuộc “bổ nhiệm nhầm” hay “bổ nhiệm thần tốc” được phát hiện gợi ý rằng chúng chỉ là phần chóp của tảng băng chìm. Dẫu sao, quy trình vẫn được vận hành bởi con người.
Khi những sai sót liên quan đến việc bổ nhiệm con trai mình bị báo chí phanh phui, ông Phạm Văn Tỏ đã nói rằng: “Tôi xin chịu trách nhiệm, tự nhận hình thức kỷ luật trước lãnh đạo tỉnh Hải Dương”.
Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước dân?
Một quyết định bổ nhiệm có thể được “ký nhầm”, một cán bộ có thể được “ngồi nhầm chỗ”, nhưng cuộc đời của hàng vạn con người – như những lao động đang loay hoay tìm việc làm ở Hải Dương, những nông dân mất đất sản xuất – không thể “sống nhầm”.
Họ vẫn phải có việc làm, phải ăn cơm, mua thịt cá, xăng xe… Những thứ ấy không thể “nhầm” .
Một quyết định bổ nhiệm nhầm sẽ tạo ra một lãnh đạo ngồi đó và ký thêm hàng trăm, hàng nghìn chữ ký có thể đáng nghi ngại trong nhiệm kỳ của anh ta. Những chữ ký này tạo “nhầm” ra không biết bao nhiêu chính sách đáng nghi ngờ. Và người dân sẽ phải chấp nhận rằng đời mình sẽ bị điều chỉnh “nhầm” bởi các chính sách đó?
“Cán bộ là cái gốc của mọi việc” – chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết. Và nếu cái gốc được đặt nhầm, thì khó có thể tính toán được hậu quả mà cái chữ ký bổ nhiệm ấy đã tạo ra.
Nhưng trong phần lớn các trường hợp, như trong vụ Sở có 44 lãnh đạo, thì việc chịu trách nhiệm sẽ diễn ra bằng một quyết định kỷ luật. Dưới “hình thức khiển trách”.
Phan Tất Đức