Nhưng tôi lại không được cười một cách giải trí như vậy khi nghe các em bé thi The Voice Kids Việt Nam cất lên não nuột những Đá trông chồng, Còn tuổi nào cho em, hay gắng gượng Tự nguyện, Dậy mà đi, Đất nước lời ru, Độc huyền cầm… Chúng ta đâu có thiếu bài hát cho mọi dịp và mọi lứa tuổi, sao cứ phải dùng lộn tiệm hoặc vay mượn một cách vất vả như vậy?
Ngày tôi còn nhỏ, lũ con nít véo von suốt ngày những "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao", "Kìa chú là chú ếch con có hai là hai mắt tròn, chú ngồi học bài một mình bên hố bom kề vườn xoan", "Vào rừng xanh ta đi vào rừng xanh... kìa nai con đang khóc nhè bên suối, nọ chú voi đang lúc lắc cái vòi, ô quá hay con gà con nó bay", "Con vỏi con voi, cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước". Trung thu thì rộn ràng khắp nơi "Tết Trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường". Lớn thêm một chút, có: "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ", "Em ước mơ gì tuổi mười hai tuổi mười ba, em ước mơ em là, em được là tiên nữ, ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người, ban phép tiên cho người chắp cánh bay giữa trời", "Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ", "Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo, ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút, ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa, ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính"... Chơi tập thể ban đầu phải đi thành một vòng tròn thì hát "Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn, đi sao đi cho đều đi cho khéo, cho vòng tròn đừng có méo đừng có vuông". Ngồi bệt chơi trò đập dép thì có bài "Nào cùng chuyền chiếc dép trong tay cho đều, chuyền cho đều chuyền cho khéo anh ơi, nếu không thì mời anh ra". Đến chữ "ra" cả bọn cùng đập chiếc dép ba lần xuống sân kèm theo hai lần ha! ha! ha thật mạnh, vui lắm.
Đến lượt lứa cháu tôi, chúng có những bài hát giũ hết sạch mệt mỏi cho ông bà cha mẹ: "Một hai ba bốn hít thở hít thở hít thở", "Ba bà đi bán lợn con, bán đi chẳng được lon ton chạy về", "Hai con thằn lằn con đùa nhau cắn nhau đứt đuôi", "Hông dám đâu em còn phải học bài", rồi mấy tháng nay đám trẻ trong xóm suốt ngày oạc oạc giả vờ tiếng cáo kêu trong What does the fox say...
Trẻ thơ được ví là chồi non, tia nắng đầu ngày, nụ hoa mới nhú. Chúng trong trẻo hồn nhiên như mạch nước đầu nguồn. Mọi thứ khô cằn già cỗi vốn khá nhiều trong cuộc sống này đều có phép màu tự rượi mát và xanh tươi trở lại trong tiếng hát ngọng líu của trẻ con. Thế giới quanh chúng là con mèo con chó, nước, hoa và cầu vồng. Phép hồi sinh thế giới của trẻ thơ nằm ở cái nhìn luôn luôn là sơ sinh của chúng với vạn vật.
Nên khi chứng kiến các em bé thi hát trong Đồ Rê Mí hay The Voice Kids cố gắng vặn vẹo để diễn tả nỗi đau, sự mất mát hay nỗi kiêu hùng trong những bài hát chỉ dành cho lứa tuổi cả chục năm sau đó, tôi thấy bực mình. Có những bài hát được chọn với mục đích bám sát thời sự nhằm lấy lòng người bình chọn vượt quá sức khiến đứa trẻ gồng cứng và giả tạo phát tội nghiệp. Sao không để chúng hát những bài hát ngây thơ đáng yêu của lứa tuổi? Có gia đình nào chơi với con trong buổi tối đầm ấm mà cùng nhau hát.... cô gái vót chông không, hả trời?
Xin nhớ rằng thi thố chỉ là hình thức khiến cuộc chơi của trẻ con sôi động hơn, nhưng chính sự non nớt trong vắt của chúng mới chính là điểm mạnh nhất của chương trình để thu hút khán giả vốn đã quá mệt với mưu sinh. Một chương trình cho trẻ con mà toàn thấy các ông bà cụ non thì chắc chắn rồi người hâm mộ sẽ quay lưng.
Thời thơ ấu thật ngắn, xin những huấn luyện viên người lớn đừng vì mục đích thắng thua của mình mà nhồi trẻ vào những bộ áo vay mượn xa lạ với chúng.
Hoàng Xuân