Trong quá trình hành nghề bác sĩ, thực tế tôi đã gặp nhiều trường hợp tương tự. Nhiều người nhà bệnh nhân (thường là người có vai vế hoặc có nhiều tiền) ngay từ khi vào viện đã có thái độ hống hách. Họ không thèm hợp tác với nhân viên y tế, chỉ biết đòi hỏi, và thường gây sự để đạt được những thứ mình muốn. Khi tôi khám, cho thuốc và đề nghị theo dõi, thì nhiều thân nhân bệnh nhân cứ muốn bác sĩ phải làm gì đó ngay lập tức. Khi bác sĩ giải thích bệnh nhân cần được theo dõi thì họ không tin và cho rằng chúng tôi vòi vĩnh.
Ai cũng luôn cho mình là người bị bệnh nặng nhất, cho mình quyền được ưu tiên số một mà không hiểu rằng, ngay cả những bệnh viện không quá tải ở các nước tiên tiến, như Mỹ chẳng hạn, người ta cũng phải phân loại bệnh nhân cấp cứu, ai bị nguy hiểm hơn cấp cứu trước, ít nguy hiểm hơn cấp cứu sau. Và hậu quả là tình trạng bạo hành nhân viên y tế có chiều hướng ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều vụ thương tâm. Đơn cử, tháng 8/2011, tại khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình, người nhà của một bệnh nhân chết trước khi vào viện đã đâm chết một bác sĩ giàu kinh nghiệm và đâm trọng thương một bác sĩ 30 tuổi.
Thực tế, nạn bạo hành trong bệnh viện không chỉ có ở Việt Nam. Ở Mỹ, chỉ trong hai năm (2000-2011), có tới hơn 150 vụ bắn súng trong bệnh viện, 29% xảy ra ở phòng cấp cứu. 28% số nạn nhân là các bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên y tế khác. Gần đây nhất, tháng 1/2015, một người đàn ông đã vào bệnh viện ở bang Massachusetts, bắn chết bác sĩ phẫu thuật tim, người đã điều trị cho mẹ ông ta và bà đã chết trước đó hơn một tháng. Theo thăm dò của Scientific American năm 2014, 80% điều dưỡng Mỹ báo cáo đã bị bạo hành, dưới dạng đấm, đá, cào, cắn, phun nước miếng, đe dọa và quấy rối.
Để ngăn chặn tình trạng trên, tôi được biết, cơ quan quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp nước này đã ban hành bộ “hướng dẫn phòng ngừa bạo hành công sở trong y tế và dịch vụ xã hội” và đã có nhiều bang trên nước Mỹ bắt buộc các bệnh viện phải thực hiện hướng dẫn này. Người đại diện chính quyền bang Texas thậm chí đề nghị cho phép nhân viên y tế mang súng vào bệnh viện để tự vệ. Học viện quốc gia về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Mỹ cũng đã huấn luyện miễn phí cho hơn 8.000 nhân viên y tế kỹ năng chống lại bạo hành và thoát hiểm khi bị tấn công.
Theo điều luật của Mỹ mới được cập nhật gần đây, tất cả hành vi tấn công nhân viên y tế đều bị trừng phạt. Theo đó, các hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế được xếp vào tội phạm mức độ 3, bị phạt tù từ 3 đến 5 năm, phạt tiền đến 15.000 USD. Các hành vi tấn công nhân viên y tế khác bị xếp vào tội phạm mức độ 4, phạt tù đến 18 tháng và phạt tiền đến 10.000 USD. Ngoài ra, những hành vi bạo hành nhân viên y tế đơn lẻ sẽ bị giam giữ đến 6 tháng và phạt tiền đến 1.000 USD.
Trên các diễn đàn ở Việt Nam, đáng tiếc là vẫn còn nhiều ý kiến biện minh hoặc thông cảm cho hành vi bạo hành nhắm vào nhân viên y tế. Trên thực tế, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý y tế đã thành lập nhiều kênh thông tin để người bệnh phản ánh những bức xúc của mình. Nhưng bạo lực vẫn diễn ra, và người ta vẫn đổ lỗi cho bức xúc.
Ngoài những thiệt hại mà nhân viên y tế phải gánh chịu do những vụ bạo hành mang lại, người bệnh và xã hội cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả. Không nhân viên y tế nào có thể toàn tâm toàn ý vào việc phục vụ bệnh nhân khi luôn phải phòng thủ trước thân nhân, bệnh nhân. Và như vậy, khả năng sai sót y khoa xảy ra sẽ tăng cao. Sẽ có nhiều hệ lụy khó lường xảy ra nếu sự an toàn của nhân viên y tế khi đang hành nghề không được bảo đảm.
Nếu nhân viên y tế sai, sẽ có pháp luật xử lý. Nếu bệnh viện sai, sẽ có pháp luật xử lý. Hãy để cho luật pháp làm việc với họ. Không gì có thể biện minh cho nạn bạo hành nhân viên y tế. Theo tôi, cần phải nghiêm trị những kẻ hành hung nhân viên y tế, dù vì bất cứ lý do gì. Không thể cổ vũ, không thể thông cảm cho những hành vi bạo lực, đặc biệt là những hành vi bạo lực nhắm vào nhân viên y tế, những người vì lương tâm, vì y đức mà không thể tự vệ theo bản năng thông thường.
Võ Xuân Sơn