Trong vô vàn sự hưởng ứng, có những bình luận rất giản dị nhưng đáng chú ý: “Không uổng công bà con đấu tranh suốt mấy tuần qua”. Không khó để nhận thấy chưa khi nào mà một việc lớn, liên quan đến ngân sách, đến mồ hôi nước mắt của dân được đưa ra thảo luận công khai trên khắp các phương tiện truyền thông, ở tất cả các diễn đàn và mạng xã hội với những ý kiến trái chiều như “việc lớn ASIAD” lần này.
Và kết quả của cuộc thảo luận ấy là sự đồng thuận giữa người dân và Chính phủ: dừng việc tô điểm hình ảnh quốc gia bằng đầu tư tốn kém.
Nếu việc rút đăng cai ASIAD là một “bước lùi” như ai đó đã từng bảo, thì đó là một bước lùi cần thiết để tiến những bước dài. Mà bước tiến rất rõ ràng, chính là tinh thần dân chủ hóa, khi người dân tham gia đóng góp, phản biện trước những quyết định lớn của đất nước. Và tất nhiên, phải nói lời cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Thủ tướng khi ý kiến của người dân đã được lắng nghe.
ASIAD là một cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Nhưng có một cách quảng bá còn hiệu quả hơn, đó là việc thế giới sẽ nhìn nhận sự kiện rút khỏi ASIAD này dưới giác độ tinh thần "liệu cơm gắp mắm". Một trong những nguyên do dẫn đến quyết định rút khỏi ASIAD mà người đứng đầu Chính phủ đã nói đến là những ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; những khó khăn của ngân sách, của tình hình kinh tế - xã hội trong nước mà việc lùi ASIAD chính là để “tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác”.
Không ai không hoan nghênh nếu hàng trăm triệu USD, hàng nghìn tỷ đồng sẽ được tập trung cho trường học, bệnh viện, cho những con đường, những cây cầu đang thiếu thốn ở khắp nơi, thay vì những sân vận động, những khu liên hợp thể thao chỉ tồn tại vài chục ngày, và sau đó trở thành “Sân vận động massage” hay những “Làng ẩm thực”.
Mùa hè 2004, sau khi ném vào những sân vận động Olympic, Làng vận động viên, con số 9 tỷ euro, vượt gần gấp đôi so với dự toán, Hy Lạp, xứ sở của những vị thần, đất nước của những môn Olympic cơ bản đầu tiên bắt đầu xoa tay chờ một “phép màu” từ thế vận hội Athens. “Phép màu” cuối cùng cũng xảy ra, chỉ có điều đó không phải là cái “phao cứu sinh” như kỳ vọng.
Chỉ 4 ngày sau lễ khai mạc, Athens cho biết nợ công đã lên tới 168 tỷ euro, trong đó có những con số được tính bắng tỷ lệ % từ việc “vung tay quá trán” cho Olympic.
Và sau Olympic, sân vận động 265 triệu euro xuống cấp nhanh chóng tỷ lệ thuận với một ngân sách rỗng mà mức thâm hụt lên tới 8%, cao gấp gần 3 lần tiêu chuẩn của eurozone. Các trung tâm bóng mềm, khúc côn cầu, bóng rổ... bỏ hoang hoàn toàn khi người dân Hy Lạp chưa từng chơi trước đó, bên cạnh sự suy giảm tới 15% của ngành du lịch. Các sân bóng đá, khu thể thao dưới nước, nhà thi đấu bóng chuyền… cửa đóng then cài khi những người phải lãnh chịu “màu hồng” của sự đắc thắng ngày nào không ai khác, chính là người dân đang còn phải đối phó với cuộc sống đen tối khi chi tiêu ngân sách, gồm cả trợ cấp xã hội, y tế... bị cắt giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp đỉnh điểm đã lên tới 27,7%.
Một tấn bi kịch thực sự đối với một quốc gia trước đó còn trong top tăng trưởng GDP của khu vực.
Câu chuyện “no con mắt và đói cái bụng” bấy giờ mới được đặt ra với sự thừa nhận chua chát của Tổng thư ký liên đoàn thể thao Hy Lạp Panagiotis Bitsaxis: "Không ai nghĩ đến việc khai thác các công trình thể thao như thế nào sau khi Olympic kết thúc".
Cũng vừa ngay 2012 đây thôi, kinh phí thu về từ euro ở cả Ba Lan và Ukraine chỉ vào khoảng 150 triệu USD trong khi chỉ riêng chi phí tân trang các sân vận động cũng đã ngốn của 2 quốc gia này 2,3 tỷ euro.
Với bước lùi cần thiết và tỉnh táo hôm nay, ít nhất, “khủng hoảng ASIAD” sẽ không xảy ra ở Việt Nam, ít nhất “ASIAD” sẽ không còn là miếng bồ hòn khó nuốt và có lẽ, đây chính là bước tiến lớn nhất ngay sau bước lùi.
Đào Tuấn