Trong khi trưởng nhóm điều tra chia sẻ, tôi ngồi xuống một chiếc ghế bỏ trống, cạnh bàn làm việc của một phóng viên nào đó. Trên vách ngăn, cạnh máy tính, có chân dung của một cô gái trẻ. Nó được in trên một tờ rơi, có dòng chữ: “Công lý cho Dannie”.
Tôi mở điện thoại ra tìm kiếm. “Dannie” là tên gọi trìu mến của Danielle Locklear, một nữ sinh 15 tuổi, đã mất tích vào ngày 11/3/2014, tức là trước đó 2 năm rưỡi. Cô gái được tìm thấy hơn 20 ngày sau dưới sông, bị bóp cổ đến chết, trong miệng đầy giẻ.
Nghi phạm của vụ án, Je'Michael Malloy, bạn trai của Dannie, năm ấy cũng 17 tuổi. Tờ rơi có lẽ đã được in trong lúc phiên tòa xét xử Malloy diễn ra.
Tôi nhìn tờ rơi, và nghĩ đến cảm giác của người phóng viên ở chiếc bàn tôi đang ngồi. Trên bàn của người phóng viên ấy, chỉ có chân dung của chính cô, và chân dung của Danielle Locklear. Tờ rơi ấy, vì lý do nào đó, đã ở đó suốt 2 năm rưỡi. Tôi nghĩ nhiều người làm báo sẽ hiểu cảm giác này. Nó là một thứ cảm giác pha lẫn tức giận, bất lực và có cả buồn nản, khi chứng kiến những người khốn cùng phải đi đấu tranh để tội ác được định danh là tội ác.
Rồi tôi nghĩ đến cảm giác của gia đình nạn nhân, cha mẹ của Dannie, vừa chứng kiến con gái bước vào trường trung học, bây giờ tìm thấy con dưới sông, và nhận ra nghi phạm là một kẻ thân thuộc.
Chắc nhiều người, khi đứng trước những tình huống như vậy, cũng tự hỏi: Nếu nạn nhân của một tội ác là người thân của mình, ta sẽ hành xử ra sao?
Tôi đã từng tự hỏi câu đó nhiều lần. Và tôi không thể tỏ ra đạo mạo để nói rằng mình sẽ tha thứ, sẽ trông chờ vào công lý. Tôi không phải là người kiềm chế tốt. Chỉ nghĩ đến các tình huống giả định thôi, tôi đã giận đến run rẩy. Rất có thể, tôi sẽ hành xử mất kiểm soát, sẽ vượt qua pháp luật để trả thù, theo kiểu giang hồ - tôi phải thú nhận rằng mình nghĩ thế.
Nền tư pháp nào cũng có sai lầm. Và một sai lầm của tư pháp, thì thường quá sức chịu đựng của một, hay thậm chí nhiều con người. Mong muốn tự đi tìm công lý không phải là điều hiếm gặp, ngay cả ở những nước có nền tư pháp được ca tụng. Điện ảnh Mỹ thường xuyên sản xuất các bộ phim về chủ đề này: những cuộc trả thù cá nhân rất bạo lực, và nó tạo ra một cảm giác thỏa mãn trước bất công, trước sự bất lực của hệ thống quan liêu. Tiêu biểu như là “Law Abiding Citizen”, hay là “Dredd” - bộ phim về các thẩm phán có quyền bắn chết ngay nghi can trên phố mà không qua xét xử. Chúng rất ăn khách.
Tư tưởng ấy không chỉ tồn tại phổ biến trong văn hóa đại chúng Mỹ. Không ai quên người dân Philippines đã lựa chọn thế nào trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Họ ủng hộ ông Duterte, ủng hộ quyền tự tay giết chết nghi can, không qua xét xử.
Tôi thú nhận rằng mình có thể sẽ không lựa chọn khác, nếu người thân là nạn nhân.
Và bởi thế, tôi luôn thầm kính nể những người mẹ, người cha ở Việt Nam đã nhẫn nại đấu tranh bằng các công cụ pháp luật trước kẻ hại con cái mình, cho dù nỗi đau họ phải chịu đựng lớn biết nhường nào, và nền tư pháp đã nhiều lần gây thất vọng ra sao.
Đặc biệt là khi đặt ý chí ấy trong bối cảnh ngày hôm nay, trước muôn vàn những lời kêu gọi, mà trong đó, người kêu gọi tin rằng việc buộc tội một nghi can cụ thể chính là “công lý”: khắp nơi là những tấm ảnh của nghi can các vụ ấu dâm kèm lời buộc tội, và thậm chí là hình ảnh của gia đình, vợ con anh ta. Những niềm tin về “công lý” rất khác nhau.
Hãy quay trở lại với câu chuyện của Dannie. Phong trào “Công lý cho Dannie” thu hút hàng vạn người trong cộng đồng tham gia. Kẻ thủ ác sau này bị tuyên một cái án thích đáng. Phong trào vẫn tiếp tục sau phiên tòa, và trở thành một cuộc đấu tranh nâng cao nhận thức về bạo lực giới.
Hôm 11/3 mới đây, những người yêu quý Dannie lại tụ tập, kỷ niệm 3 năm ngày mất của em, và thả lên trời những quả bóng bay màu tím. Không ồn ào, không báo chí, chỉ có một video không kèm chú thích đăng trên fanpage “Công lý cho Dannie”.
Tôi vào lại fanpage ấy, và bỗng nhiên muốn đi tìm chân dung của kẻ phạm tội. Tôi tìm lại ảnh cũ, với niềm tin rằng sẽ có ảnh của cậu ta được đăng. Logic rất thông thường: đây là trang “đi tìm công lý”, còn đó là kẻ đã giết con họ.
Không có một tấm ảnh nào của cậu ta trên trang đó. Không một lời buộc tội. Tìm trên khắp các báo, cũng chỉ có một bức ảnh khi Malloy đã ra tòa.
Dường như không một ai, kể cả gia đình khốn khổ của Dannie - khi kẻ giết con họ đang được biện hộ ở tòa – đứng ra công khai buộc tội nghi can. Họ có một phong trào mạnh, họ tức giận, họ tuyệt vọng, nhưng không đi tìm công lý theo cách đó.
Đấy là bởi họ tin tưởng vào nền tư pháp, hay đấy là một lựa chọn để có công lý toàn vẹn?
Còn chúng ta, phải chăng chúng ta đang đấu tranh bằng việc phơi bày những bức ảnh nghi can, những cuộc sục sạo lật tung quá khứ, các mối quan hệ... với nhân danh "tự tìm công lý"?
Đức Hoàng