Báo chí vào cuộc, Mohammed bị tố trên sóng truyền hình, hội bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng, chính quyền tiến hành điều tra, và chàng bán rong bị đuổi kèm một án phạt. Lý do của việc anh bán hotdog chịu búa rìu dư luận thì hẳn nhiều người cũng nhận ra. “Điều này mang lại hình ảnh rất xấu cho New York”, một lãnh đạo tổ chức xã hội lên tiếng.
Ấy thế mà trên tờ New York Post ngày thứ sáu, nhà phê bình danh tiếng Kyle Smith dành hơn 1.000 từ để tôn vinh anh bán hot dog giá cắt cổ này là một anh hùng. “Anh hùng hot dog”, ông gọi, đã bán cái giá mà người ta chấp nhận mua. Giá của một mặt hàng là giá do người mua quyết định. Cái gọi là các “nạn nhân” thực ra chính là những người đã làm nên giá 30 đôla kia. Ai không thích hoàn toàn có thể bỏ đi, tại sao lại mua rồi trút tội vạ lên đầu anh bán rong? Ông dành nhiều từ mỉa mai cay độc cho những người đã tố cáo làm Ahmed mất chỗ kiếm ăn. Nếu các “nạn nhân” muốn gửi đơn, hãy tự gửi về nhà mình, Smith nói, tự vấn xem sao mình lại trả 30 đôla.
Khó bàn đến chuyện đúng sai của “anh hùng hot dog”, nhưng tôi không thể không liên tưởng đến Hà Nội khi đọc câu chuyện ở New York. Bởi vì ở đây, những hành vi được cho là “ngược đãi” khách hàng cũng phổ biến. Tôi đang nói đến “bún mắng, cháo chửi” trên phố cổ. Và bởi vì ở đây, mọi người cũng hành xử như thể đó là lỗi của các chủ cửa hàng. Họ không nhận ra rằng sở dĩ cái quyền được bán giá trên trời, vừa bán vừa đuổi khách ấy, thực chất là do chính khách hàng tạo ra.
Những cửa hàng ăn nơi mà những ông bà chủ (và cả người phụ bàn) vừa phục vụ, vừa quát mắng đuổi khách, luôn là những nơi tấp nập nhất, đông đúc nhất. Họ không việc gì phải điều chỉnh hành vi khi mà vừa bán vừa đuổi vẫn không hết khách. Mọi người vẫn đến, lầm lũi ăn.
Chính tôi cũng đã từng nhiều lần chấp nhận ngồi ăn trong cái khung cảnh ấy trên phố cổ. Cho đến một lần, tôi đang cắm mặt vào bát phở gà, thì nghe thấy tiếng ngọt nhạt của một người khách. Một chị khách đang đon đả nịnh bà chủ quán phở, thôi chị sao phải nóng, em đùa ấy mà, còn bà chủ thì đang quạu cọ nhiếc móc. Tôi đứng dậy đi về. Nhục, thế thì nhục quá. Về sau, cứ mỗi lần chủ quán nào đó có thái độ khó chịu, tôi lại bỏ nguyên đồ ăn đấy đứng dậy trả tiền rồi đi.
Ở Hà Nội, bún mắng cháo chửi vẫn tràn lan. Và ở Hà Nội, khách hàng vẫn mong chờ một mệnh lệnh hành chính từ trên xuống dẹp tình trạng này. Chính quyền cũng có ý định đó thật, năm ngoái cũng tiết lộ ý định phạt những chủ quán hàng thiếu văn hóa. Tôi thấy sờ sợ ý tưởng này. Thế cuối cùng thì năng lực tự điều chỉnh của thị trường ở đâu? Chính khách hàng duy trì các quán hàng ấy, và rồi chính quyền lại phạt họ bởi vì khách hàng chủ động đến đấy nghe chửi. Không hề tồn tại một logic thị trường nào.
Nếu có thể, tôi cũng muốn gọi các bà chủ bún mắng cháo chửi là những anh hùng, như cách của Kyle Smith. Vì chính họ, đã hiên ngang đứng giữa bão tố dư luận, và làm cái điều họ có quyền làm: vừa bán vừa chửi những thực khách cam chịu, cho đến lúc nào đám đông còn trao cho họ quyền đó.
Chính họ, những anh hùng bún mắng cháo chửi, là những người tố cáo sự thiếu quyết đoán của rất nhiều cá nhân trong xã hội, tố cáo một tâm lý né tránh kỳ quặc. Một việc nhỏ bé như từ chối ăn ở một cửa hàng phục vụ không tốt, mà cũng kêu gọi và mong chờ “ai đó cao hơn” ra tay điều chỉnh giúp, thì những vấn đề lớn hơn, chắc chắn cũng lại chờ “nhà nước lo”.
Có thể sự điều chỉnh của chính quyền cũng cần thiết, nhưng thái độ của đám đông mới là điều quyết định. Hình ảnh của Hà Nội, không xấu đi vì những quán bún mắng cháo chửi. Nó xấu đi bởi những quán bún mắng cháo chửi đông nghẹt khách hàng.
Và tương tự, những bất cập trong xã hội, không được tạo ra bởi chính bất cập, mà bởi những người chấp nhận sống chung với chúng.
Đức Hoàng