Nếu đã "soi" thì "soi" cho kỹ, có không ít thí sinh đại diện Việt Nam đi thi hoa hậu thế giới còn chưa nói được lưu loát như cô Kỳ, nhưng họ không hề bị cộng đồng ném đá đến tơi tả. Phải chăng không ưa nên dưa có giòi? Hay là không ít người Việt ta có sở thích dìm hàng người khác, đặc biệt khi người đó lại giàu hơn và nổi tiếng hơn nhiều người còn lại? Nhất là nếu người đó có vài thói xấu (ai chẳng có, nhưng người nổi tiếng được báo chí săn đón nên thói xấu của họ cũng được phóng đại và nhiều người biết hơn) thì thật là sảng khoái, ta càng tha hồ dìm họ cứ như làm thế thì ta sẽ đẹp bằng hay giàu ngang họ vậy. Nó như một sự bù đắp thầm kín cho người dìm hàng: "A, hóa ra mày cũng chả hơn gì tao"!
Liên quan đến chuyện nói tiếng Anh, tôi nhớ trước kia dư luận cũng từng ném đá tơi bời một cậu bé mới mấy tuổi mà đã "dám" hoàn toàn chỉ nói tiếng Anh trong suốt clip tự quay. Mà lại còn dám phát âm hay nữa chứ! Nhiều bình luận rất cay cú về chuyện tại sao cậu còn bé thế mà không yêu tiếng Việt, chỉ nói tiếng Anh, khoe mẽ à? Có người còn quá đà đến mức liên hệ với cả tình yêu nước. Rất ít người khen ngợi giọng tốt, vốn từ rộng, khả năng làm chủ ngôn ngữ và sự tự tin của cậu bé.
Thái độ đó hoàn toàn trái ngược nếu chủ thể là người nước ngoài. Tây nói tiếng ta, càng ngọng, càng sai, càng buồn cười thì càng được nhiều người mê mệt khen là dễ thương. Không ít game show truyền hình phải mời bằng được vài anh Tây góp mặt để chiều lòng tâm lý ngược chiều này của số đông người Việt.
Trong clip Lý Nhã Kỳ, ca sĩ Phi Nhung sống ở nước ngoài vài chục năm cho biết tâm lý người nước ngoài thích sự đáng yêu và tự tin của Lý Nhã Kỳ, hoàn toàn khác với cộng đồng trong nước. Hay chính xác là "văn hóa phương Tây thiên về khuyến khích, văn hóa Việt Nam thiên về đả kích" như nhận xét của MC gốc Việt Nguyễn Cao Kỳ Duyên?
Ái ngại hơn nữa, khi có dịp khuyến khích thì chúng ta lại "khuyến khích" không chân thành, lại làm điều ác tâm, lại "khen cho chết". Trường hợp "ca sĩ Lệ Rơi" chẳng hạn, khó tìm thấy lời khen chân thành trong hàng nghìn bình luận dưới mỗi clip hát chẳng ra hát, đọc chẳng ra đọc của anh. Hầu hết đều giả vờ ca ngợi lên tận mây xanh, mà tôi cứ liên tưởng tới cảnh một đám đông người ngồi xem xiếc, cười ha hả, đập tay vào đùi đen đét mỗi khi chứng kiến một trò khéo. Có câu nghe nói dối ba lần sẽ tin là thực. Một thanh niên nông dân chất phác một ngày tự nhiên trên trời rơi xuống hàng chục nghìn lời khen chất ngất thì sẽ tin mấy phần? Chuyện đi quá đà, trở thành lố bịch, bị lợi dụng để kiếm tiền cho người khác, ví dụ đi giao lưu như điển hình nông dân thành công, thu âm chuyên nghiệp như một ca sĩ là kết quả ắt phải đến sau những làn sóng lời khen giả tạo đó.
Trước đó, trường hợp của cô gái mang nick Bà Tưng cũng y như thế. Chỉ sau vài clip gợi cảm, người theo dõi cô trên mạng xã hội tăng đến số triệu. Có những đám đông thanh niên chỉ chờ cô tung clip nào ra là lập tức nhảy vào bấm like cổ vũ ầm ĩ. Có nhiều người năn nỉ cô làm những clip táo bạo hơn. Nhưng trong khi tay gõ những lời xuýt xoa khen ngợi, miệng đã ví von cô bé với những gì tệ nhất rồi. Đến khi cô bé đi quá đà, cũng đám đông từng tung hô cô quay lại ném đá tàn nhẫn, với cái vẻ ngây thơ vô số tội.
Chúng ta sống với nhau như vậy sao? Đố kỵ, nhỏ nhen, giả dối, ác tâm với nhau như vậy sao? Rồi quen đối xử giả dối với người khác, đến khi gặp chuyện, chúng ta lớn tiếng than vãn như một cái mốt thời thượng: "Ôi, lòng tin, lòng tin, ai cho tôi lòng tin?". Ơ, hồn nhiên thật!
Hoàng Xuân