Cách trung tâm thị trấn Đức Thọ khoảng 2 km, xã Tùng Ảnh trải dọc theo con sông La thơ mộng. Đây là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, xung quanh bao phủ bởi một màu xanh của đồng ruộng và cây cối. Diện tích toàn xã là hơn 800 ha với 1.700 hộ và 7.000 nhân khẩu.
Người dân Tùng Ảnh chủ yếu làm nghề dệt vải, trồng dâu nuôi tằm và buôn bán ở các chợ huyện. Kinh tế nơi này từ trước tới nay đa phần ổn định. Theo người dân, có được cuộc sống như ngày nay là nhờ luôn chú trọng phát triển kinh tế địa phương và đẩy mạnh văn hóa giáo dục.
Nói về truyền thống hiếu học của Tùng Ảnh, Chủ tịch xã Phan Tiến Dũng tự hào cho biết tính từ thời Cần Vương (cuối thế kỷ 19) tới nay, xã đã sản sinh hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ có đóng góp cho đất nước. Tiêu biểu là Trần Phú (người làng Tùng Sinh), Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Dũng cho biết thêm, hàng năm xã Tùng Ảnh luôn có khoảng 50 học sinh đậu đại học nguyện vọng một, tỷ lệ cao nhất huyện, đứng trong tốp đầu của tỉnh. Trong xã nhiều làng có truyền thống hiếu học từ hàng trăm năm nay, tiêu biểu như Đông Thái, Yên Hội, Châu Tùng, Trinh Nguyên…
Nổi tiếng nhất là Đông Thái, một trong 20 ngôi làng của cả nước được phong danh hiệu “làng khoa bảng”. Làng nằm sâu sau một cánh đồng, giáp danh với dòng sông La. Cổng làng được sơn vàng với dòng chữ "làng khoa bảng" khắc trang trọng ở phía trên. Đây là nơi chôn rau cắt rốn của Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng, lãnh tụ phong trào Cần Vương, và hiện có hơn 100 giáo sư, tiến sĩ.
Gạt đi những giọt mồ hôi trong ngày hè oi bức, ông Phạm Hồng Chương (52 tuổi, Bí thư chi bộ thôn Đông Thái) cho hay, đa số người đỗ đạt ở trong làng là con cái nhà nòi, có truyền thống học. “Con em ở làng Đông Thái rất nho nhã, lãng mạn, thích làm thơ ca, hò vè. Họ không phải cố gắng học để thoát nghèo, mà học vì danh dự bản thân. Nếu 10 em đi thi đại học mà có một em trượt thì buồn vô cùng, từ đó tự nhủ cố gắng hơn”, ông Chương cho hay.
Ở Đông Thái, mọi người vẫn luôn nhắc tới gia đình ông Mai Quốc Tế (63 tuổi) với thành tích nuôi con ăn học thành đạt. So với các gia đình trong làng, nhà ông Tế đông con, kinh tế khó khăn. Tuy nhiên với suy nghĩ phải học vì truyền thống của làng, tương lai của các con nên vợ chồng ông đã đồng cam cộng khổ dìu dắt con cái thành đạt.
“Hơn 20 năm về trước, tôi là anh giáo làng với đồng lương còm cõi, vợ ở nhà làm nông. Thời điểm 4 người con lần lượt đi học đại học, hai vợ chồng bán hết lúa, cầm cố đồng lương để nộp học phí cho con. Hơn chục năm hầu như tôi không biết tới đồng lương là gì, bởi đến khi nhận lương lại bù vào số tiền đã vay trước đó”, ông Tế kể.
Hiện các con ông Tế đều trưởng thành. Con trai đầu hiện công tác tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật quân sự, con trai thứ hai đang làm trong một công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cậu ba là giáo viên, con gái út đang làm cán bộ ngân hàng.
Ngoài việc sản sinh hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, xã Tùng Ảnh còn có rất nhiều cán bộ lão thành, nhà giáo. Bên cạnh Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tổng bí thư Trần Phú, xã còn tự hào với nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh, giáo sư Phan Mỹ, giáo sư Mai Trọng Lê…
Chủ tịch xã Phan Tiến Dũng thông tin thêm, hiện xã có khoảng 20 cán bộ cao cấp thuộc biên chế quân đội, tỉnh, huyện đã về hưu. Số lượng giáo viên, cán bộ làm lĩnh vực khoa học, kỹ thuật đang an hưởng tuổi già là gần 200.
Đi đôi với tinh thần hiếu học là truyền thống khuyến học, ở mỗi làng đều có quỹ khuyến học thôn, quỹ khuyến học dòng họ, và quỹ khuyến học xã. “Hàng năm xã luôn nhận được sự đóng góp của con em đã thành đạt, số tiền có khi lên tới hàng tỷ đồng. Học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi luôn được trao thưởng rất xứng đáng vào đầu năm học mới”, ông Dũng nói.
Đức Hùng