Nghị định 79 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vừa được ban hành, mức phạt tiền tối đa lên tới 100 triệu đồng đối với tổ chức và 75 triệu đồng với cá nhân.
Trong đó, mức phạt cao nhất 80-100 triệu đồng đối với trường cao đẳng thành lập cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Các cấp cơ sở khác như trung tâm giáo dục nghề, trung cấp sẽ bị phạt từ 40 đến 80 triệu đồng với vi phạm này.
Không dạy đủ số giờ học theo quy định, tự ý thêm, bớt nội dung môn học hoặc giảng dạy chương trình liên kết với nước ngoài không đúng theo chương trình trong hồ sơ đăng ký... sẽ bị phạt từ 300 nghìn đồng tới 30 triệu đồng.
Quy mô lớp học vượt quá mức quy định bị phạt 1-10 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng cho việc không thực hiện đầy đủ quy định về đánh giá, xếp loại hoặc làm sai lệch kết quả đánh giá, xếp loại học tập học kỳ, năm học.
Mức phạt 3-5 triệu đồng được áp dụng với hành vi chấm bài kiểm tra, bài thi không đúng. Đặc biệt nếu làm bài hộ thí sinh, làm lộ số phách, hoặc sửa chữa bài thi mức phạt sẽ là 5-10 triệu đồng. Hành vi đánh tráo bài thi, bài kiểm tra hoặc làm mất, làm lộ đề kiểm tra bị phạt lên tới 25 triệu đồng.
Vi phạm về quy định kiểm tra, thi và đánh giá kết quả đào tạo sẽ bị phạt 1-30 triệu đồng; vi phạm về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 30 triệu đồng; vi phạm quy định về nhà giáo, người làm quản lý giáo dục và người học bị phạt 1-30 triệu đồng...
Ngoài ra, Nghị định này cũng bổ sung thêm nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng giáo trình, tài liệu không đúng quy định; không công khai thu, chi tài chính. Phạt tiền đến 20 triệu đồng đối với hành vi thu, chi tài chính không đúng quy định; không công khai các thông tin liên quan đến đào tạo như chương trình, chất lượng, học phí, văn bằng, việc làm…
Nguyễn Loan