Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi và xét tuyển đại học năm 2017 với việc chuyển từ thi tự luận môn Toán sang trắc nghiệm, TS Trần Nam Dũng đã có bài phân tích.
Nhiều người phản đối trắc nghiệm Toán, có ý kiến hợp lý nhưng cũng có ý kiến quá chủ quan và thiếu cơ sở. Trước hết cần khẳng định mọi hình thức thi đều có ưu và nhược điểm, kể cả trắc nghiệm, tự luận hay vấn đáp. Tùy từng mục tiêu, quy mô, tính chất của kỳ thi, ta sẽ vận dụng cách thi nào cho phù hợp.
Ngày trước khi học ở Liên Xô cũ, chúng tôi thi vấn đáp 100%, nhưng trước đó sẽ làm bài kiểm tra để được zachet (sát hạch) và được ký giấy cho đi thi (sau khi có đủ các sát hạch). Thi vấn đáp rất hay vì sẽ hỏi được sinh viên có hiểu bản chất vấn đề không và cũng có thể yêu cầu làm bài tập.
Tuy nhiên, để tổ chức thi vấn đáp phải có đủ thầy cô giáo, vì một thầy trong một buổi hỏi thi được 10 sinh viên là cùng. Đặc biệt thi vấn đáp sẽ không được khách quan cho lắm vì có thầy cô khó, có người dễ tính hơn.
Thi tự luận nếu có cách ra đề tốt (ví dụ cách ra đề kiểu Pháp) cũng sẽ kiểm tra được khá nhiều, kể cả kiến thức lẫn khả năng suy luận của học sinh. Nhưng ra đề được như thế không đơn giản, cần có đầu tư rất nghiêm túc chứ không tay ngang được.
Kiểu ra đề tự luận như đề thi THPT quốc gia hiện nay, kiểu mà sau đó người người nhà nhà đều có thể ra đề thi thử được theo một khuôn mẫu, thực ra không đánh giá được gì nhiều. Khuôn mẫu đến nỗi có năm người ta đã dạy học sinh lớp 7 để giải đề thi đại học mà vẫn được 5-7 điểm!
Hơn nữa, các câu trong đề thi THPT quốc gia lại lắt nhắt theo từng phần được chỉ định sẵn, một mặt gò bó các phương án ra đề, mặt khác làm bài thi bị bẻ vụn, không có mối liên hệ với nhau. Các bài phân loại có tư duy một chút thì lại sa đà vào "mẹo vặt" khiến sự phân loại là vô cùng khập khiễng (tôi dạy lớp cử nhân tài năng ở khoa học tự nhiên, có nhiều em 26 điểm đại học mà tư duy toán rất yếu).
Cuối cùng, bài tự luận chấm rất mệt và khó lòng khách quan. Ai từng chấm xấp 200 bài sẽ thấy là các em "bị" chấm đầu chắc chắn sẽ thiệt hơn em "được" chấm sau. Đó là sự thật khách quan.
Thi trắc nghiệm có mấy ưu điểm: chấm thi nhanh, khách quan, có thể tin học hóa (thi trên máy hoặc dùng scanner). Tuy nhiên, hình thức này cũng nhiều nhược điểm. Vụ học sinh được 10 điểm Lý vừa rồi là ví dụ. Tôi khẳng định đây là lỗi ở khâu coi thi, chẳng ai đánh đại mà được 10 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu thi trắc nghiệm thì casio sẽ lên ngôi, 12 năm ăn học nay chỉ cần biết dùng máy tính là đủ. Ý kiến đó là chủ quan. Có thể cách ra đề của Đại học Quốc gia Hà Nội đang khiến cho mọi người suy nghĩ như vậy, nhưng tôi biết, có rất nhiều cách ra đề để cho có dùng máy tính mà không có kiến thức và tư duy toán cũng bó tay. Nhưng dù sao, những ý kiến đó cũng rất quý giá cho ban ra đề. Phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để biết cách ra nhiều dạng trắc nghiệm, thay vì chỉ chọn đáp số đúng cho các bài toán có đáp số hiện nay.
Nói tóm lại, thi theo hình thức nào cũng có cái hay và cái dở. Điều quan trọng hơn là ta tổ chức thi như thế nào, có nghiêm túc không. Ở cách thi tự luận thì cả 3 khâu: ra đề, coi thi, chấm thi đều quan trọng, còn ở thi trắc nghiệm thì khâu ra đề sẽ là quan trọng nhất, và khó nhất, cần có sự đầu tư rất kỹ lưỡng và cần có một ngân hàng đề đủ lớn với chất lượng tốt. Đó là công việc cần một công trình sư giỏi, một quản lý dự án cứng, một đội ngũ mạnh và cần nhiều thời gian làm việc nghiêm túc. Đó không phải là việc mà 1-2 người có thể làm được như khi xây dựng một đề thi tự luận.
TS Trần Nam Dũng
Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM