Khi đọc bài "Thứ trưởng Giáo dục: Phần mềm dùng chung không ảnh hưởng đến thí sinh", dưới góc nhìn của người ngoài cuộc làm trong lĩnh vực khảo thí, chúng tôi cho rằng Bộ quyết định cung cấp một phần mềm xét tuyển chung cho các trường đại học, cao đẳng là một hướng đi đúng.
Thực tế, công tác xét tuyển hàng năm các trường đều rất đau đầu vì số lượng thí sinh ảo lớn. Nguyên nhân ảo là thiếu thông tin. Khi trao cho thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn, các em đăng ký vào nhiều trường khác nhau, mà các trường không có sự liên kết thì ảo là điều dễ hiểu.
Vậy phải có một khâu, một cách làm để các cơ hội xét tuyển mà thí sinh đăng ký được đặt cạnh nhau, để các trường nhìn rõ sinh viên tiềm năng của mình đang được định vị ở các trường nào. Từ đó ra quyết định cho phù hợp, hạn chế số lượng ảo dẫn đến thiếu sinh viên.
Theo như Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì các trường vẫn có thể sử dụng server, phần mềm xét tuyển riêng của mình, đồng thời vẫn có quyền lựa chọn dùng hay không dùng phần mềm dùng chung do Bộ cung cấp. Như thế, không có chuyện tắc nghẽn như năm 2015 mà có chăng chỉ ở các trường (nếu thí sinh quan tâm nhiều mà hạ tầng công nghệ thông tin kém).
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy ngay rằng, nếu muốn giảm ảo thì các trường nên dùng phần mềm chung của Bộ cung cấp. Khi tất cả cùng dùng phần mềm, dữ liệu từ các trường được ghép nối sẽ có được thông tin toàn cảnh xét tuyển.
Từ dữ liệu ghép nối, các trường sẽ biết thí sinh đăng ký vào trường mình đồng thời đăng ký xét tuyển vào những trường nào, khả năng em đó đã đỗ ở những đâu, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.
Cần nhớ rằng, tình trạng ảo còn phát sinh từ việc thí sinh tham gia xét tuyển vào các trường không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc xét tuyển từ học bạ.
Hiển nhiên, những trường hàng đầu có thể không quan tâm đến điều này bởi ảo sẽ khó nếu không muốn nói là không có. Tuy vậy, nếu các trường hàng đầu không tham gia vào việc dùng chung phần mềm do Bộ cung cấp thì sẽ không có dữ liệu về nhóm thí sinh đăng ký ở các trường này. Trong xét tuyển thì “ảo” sẽ khởi nguồn từ đây chứ không phải ở nhóm trường khác.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cùng với việc thực thi quyền tự chủ của mình, các trường đại học hàng đầu cũng cần thực thi trách nhiệm xã hội, thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng đại học bằng việc cùng dùng phần mềm chung do Bộ cung cấp. Khi đó, những trường này sẽ có thêm thông tin để định vị được vị trí của ngành, của trường mình so với các trường cũng lĩnh vực đào tạo.
Sái Công Hồng - Đinh Việt Hải
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội