Đề Văn kỳ thi THPT quốc gia
Hướng dẫn giải đề Văn
Tại hai điểm trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội), sau 2/3 thời gian làm bài, khá đông thí sinh đã rời phòng thi với nụ cười tươi. “Đề dễ, chỉ học chắc kiến thức sách giáo khoa thí sinh sẽ đạt 3-5 điểm. Câu nghị luận xã hội về kỹ năng sống và kiến thức hơi khó một chút và có tính chất phân loại học sinh thi đại học”, Vũ Thị Hương Thơm (THPT Trần Hưng Đạo, Hà Đông) nhận xét.
Thí sinh này cho biết, câu phần đọc hiểu với những ý hỏi đơn giản như: phương thức biểu đạt của đoạn văn, phép so sánh… rất dễ nhận ra và dễ đạt điểm để đỗ tốt nghiệp. Câu hỏi suy nghĩ về người lính đảo vừa mang tính thời sự xã hội nhưng vẫn dễ làm vì thời gian vừa qua được đề cập nhiều về tình hình biển đảo và một số bạn học “tủ” trước đó.
Bài nghị luận xã hội ban đầu khiến Thơm mất bình tĩnh chút vì yêu cầu cả kiến thức học trong trường và mở rộng thực tế. Tuy nhiên, khi đọc kỹ, em nhận ra đề cũng gần gũi, dễ làm. Thơm đã nói về tầm quan trọng của việc có kiến thức để phát triển bản thân và cần kỹ năng sống để hoà nhập xã hội tốt hơn. Làm đề Văn trong gần 2 tiếng, thí sinh thi khối D này hài lòng với bài làm và tự tin đỗ đại học.
Hai thí sinh thi khối A1 là Đỗ Hồng Quân (THPT Ngô Quyền, Nam Định) và Phạm Văn Hải (THPT Phạm Văn Nghị, Nam Định) cũng cho rằng, đề Văn hôm nay vừa sức, thời gian làm bài thoải mái. Cấu trúc và dạng đề quen thuộc với thí sinh, không có câu nào khó hay đánh đố. Phần chuyên sâu để phân loại thí sinh tốt nghiệp và thi đại học, theo Quân nằm ở câu nghị luận văn học về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Sau khoảng 100 phút làm bài, hai thí sinh này đã rời khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái.
Tại điểm thi THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều thí sinh đánh giá đề dài nhưng vừa sức với học sinh ban C. Không bất ngờ khi Trường Sa, Hoàng Sa vào đề thi Văn, các thí sinh nhận định rằng biển đảo, tình yêu tổ quốc luôn là vấn đề thời sự, được báo chí nói nhiều và vào trong đề của nhiều kỳ thi.
Thí sinh Đỗ Thị Vấn cho biết, rất xúc động khi đọc đoạn thơ của Trần Đăng Khoa. Vấn thấy "biết ơn, tự hào về những người lính. Hòa bình của đất nước, bình yên của phố phường, của những người ở thành thị là nhờ những hy sinh của người lính đảo", em viết trong bài thi. Nữ sinh này cho rằng, đề yêu cầu viết về tình cảm dành cho người lính đảo nhưng lại bó hẹp trong phạm vi 5-7 dòng thì quá ít. "Em viết hơn 10 dòng và không nêu thêm được nhiều ví dụ, sự kiện liên quan đến người lính đảo vì yêu cầu của đề. Nếu cho tự do viết thì có thể làm hẳn thành một bài đầy đủ vài trang giấy", cô nói.
Đánh giá đề vừa sức với thí sinh ban C, còn dễ hơn đề minh họa của Bộ Giáo dục, thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cho biết làm bài tốt, viết kín 3 tờ giấy thi. Quỳnh rất vui vì phần làm văn rơi vào tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu trùng với phần kiến thức được ôn tập và có trong đề thi học kỳ mới đây của trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng). Lần đó Quỳnh làm bài được 8,5 điểm và tự tin phần này mình sẽ giành điểm cao.
Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh rời phòng thi môn Văn khi vừa hết 2/3 thời gian. Nụ cười tươi của thí sinh như xua đi những lo lắng bên ngoài phòng thi của các phụ huynh giữa tiết trời nắng gắt. Hào hứng trao đổi bài với bạn bè, thí sinh Lưu Thị Oanh Nhi (điểm thi trường THPT Trần Phú) nhận định đề Văn năm nay dễ hơn các năm trước khi có nhiều câu liên quan đến đề tài xã hội, giúp thí sinh có thể "phóng bút" theo suy nghĩ của mình.
Nhi ấn tượng nhất là câu liên quan đến những người lính ở Hoàng Sa, Trường Sa, dù chỉ với hai câu hỏi nhỏ. Trong bài làm em đã thể hiện tình cảm tôn trọng, ngưỡng mộ đến biết ơn những người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo. "Em thấy đề thi giúp chúng em có trách nhiệm hơn với đất nước, thể hiện lòng yêu nước bằng những tình cảm chân thành và tiến tới những hành động thiết thực hơn", Nhi nói.
Nữ sinh này cho biết, có linh tính đề sẽ ra liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa nên đã tìm nhiều tài liệu, sách báo để đọc, nhờ đó mà "trúng tủ". "Em nắm chắc 70% điểm của bài thi", Nhi vui vẻ nói.
Thí sinh Lê Hoàng Hải (quê Đà Nẵng) cho rằng nhờ đề ra nhiều cầu xã hội, gần gũi với học sinh nên dễ làm. "Bài liên quan đến những người lính Hoàng Sa em viết theo cảm nghĩ của mình về những người lính, đó là hình ảnh các anh vất vả trong điều kiện sống vô cùng khó khăn, nguy hiểm nơi đầu sóng nhưng luôn có một ý chí sắt đá", nam sinh này nói.
Nhiều thí sinh cho rằng đề Văn nay nay khá dễ so với các kỳ thi đại học trước đó. Ảnh: Nguyễn Loan |
Tại điểm trường THCS Nguyễn Du (TP HCM), Nguyễn Minh Chiến (THPT Nguyễn Du, Bình Phước) đánh giá đề thi có nhiều câu đề cập tới các vấn đề xã hội. Câu nghị luận về hội chứng vô cảm gây nhiều hứng thú cho em. Chiến đã thể hiện trong bài rằng vô cảm xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở giới trẻ khi công nghệ phát triển thì giao tiếp giữa con người ngày càng ít đi. Chính sự vô cảm khiến nạn bạo lực ngày càng nhiều, trong đó có bạo lực học đường.
Trong khi đó Cẩm Tuyền, học sinh trường THPT Gò Vấp, lại cho biết đề khá dài nhưng phần lớn kiến thức trong sách giáo khoa và đã được giáo viên ôn tập rất kỹ nên có thể làm bài tốt. Trong đó, câu hỏi về việc rèn luyện kỹ năng sống ở phần 2 gây nhiều cảm hứng cho thí sinh. "Với dạng câu hỏi mở này chúng em có thể thể hiện được suy nghĩ, quan điểm của bản thân", Tuyền nói.
Trong bài làm, Tuyền nêu rõ kỹ năng sống là một phần rất quan trọng của mỗi con người. Ngoài kiến thức thì mỗi người cần phải có kỹ năng giao tiếp, cư xử và những kỹ năng đối phó với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Những kỹ năng này không phải ngày một ngày hai mà có được mà nó phải được tích lũy, rèn luyện và không bao giờ là đủ.
Những câu hỏi khác như cảm nhận về đoạn trích trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, hay đoạn trích về Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa, đoạn thơ Hát về một hòn đảo... đều là kiến thức trong chương trình học nên Tuyền cũng đã được giáo viên ôn tập trước đó. Rất tự tin với bài làm của mình, Tuyền cho biết sẽ được 7-8 điểm ở môn Văn.
Cùng chung nhận định đề Văn năm nay vừa sức và dễ so với đề thi đại học những năm trước đó, Minh Thu cho rằng không quá khó để có thể lấy 5-6 điểm. "Đề khá dài nhưng với 180 phút thì thí sinh dư sức làm", Thu nhận xét. Câu về hội chứng vô cảm khiến Thu hào hứng nhất vì trước đó đã được giáo viên đề cập đến. Thu cho rằng hiện nay nhiều người thậm chí không nhận ra mình đang vô cảm. "Em phải tự nhìn nhận lại bản thân, xem mình đã thực sự sống tốt và biết quan tâm tới người khác chưa", nữ sinh này chia sẻ.
Chiều 2/7, hơn 470.000 thí sinh sẽ tiếp tục thi trắc nghiệm môn Vật lý với thời gian 90 phút.
Đề Văn tránh việc học vẹt, học tủ Thầy Nguyễn Phi Hùng, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận định, cấu trúc đề thi quốc gia giống với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục đã công bố trước đó nên không gây bất ngờ cho thí sinh. Nội dung đề thi không giới hạn trong phạm vi kiến thức sách giáo khoa mà chú trọng đến kỹ năng đọc hiểu văn bản, kỹ năng làm văn và hiểu biết xã hội của học sinh. Nét mới của đề thi năm nay là yêu cầu đọc hiểu một văn bản thơ trong bài thơ Hát về một hòn đảo của Trần Đăng Khoa không có trong sách giáo khoa. Một số học sinh có thể bỡ ngỡ nhưng nếu nắm chắc kỹ năng đọc hiểu văn bản, các em vẫn sẽ hoàn thành tốt bài này. Như vậy, chỉ cần nắm chắc kỹ năng làm bài và trình bày cẩn thận, sáng rõ, các em sẽ có cơ hội giành điểm tối đa là 3 điểm. Ở phần làm văn, câu hỏi số 2 có điểm cao nhất trong đề thi, hỏi về nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Thay vì hỏi chung chung về nhân vật, đề thi trích dẫn một đoạn văn trong tác phẩm và đề nghị học sinh phân tích nhân vật dựa trên ngữ liệu cụ thể đó. Cách hỏi này khiến học sinh không phải học thuộc lòng mà chủ yếu sử dụng kỹ năng phân tích văn bản văn học. “Độ khó của câu hỏi không cao như trong đề thi minh họa, vì đề chỉ xoay quanh một nhân vật ở một tác phẩm, trong khi đề minh họa yêu cầu so sánh hai đoạn thơ từ hai tác phẩm khác nhau”, thầy Hùng nói. Thầy cho rằng, đề thi đã thể hiện được rõ định hướng của Bộ Giáo dục, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá kỹ năng. Cách ra đề này hạn chế được cách học vẹt, học tủ, khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân trước các vấn đề xã hội. “Đề ra vừa đảm bảo kiểm tra các kỹ năng, kiến thức cơ bản đồng thời vẫn có khả năng phân hóa năng lực thí sinh. Với đề thi này, học sinh chăm học và nắm chắc kỹ năng, kiến thức có thể đạt điểm 6-7. Điểm giỏi có thể sẽ nhiều hơn năm ngoái”, thầy Hùng dự đoán. |
* iOne: So sánh thi đại học giữa Việt Nam và Trung Quốc
Nhóm phóng viên