Theo phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, môn Toán cả nước có hơn 20.000 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), gần 95.200 thí sinh đạt từ 6 đến 7 điểm. Có 8.356 em từ 9 điểm trở lên trong đó 86 em được điểm tuyệt đối.
Thầy Trần Nam Dũng, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) nhận xét, với đề thi năm nay, trong khoảng 1 triệu thí sinh chỉ có 86 em đạt điểm 10 là số lượng không nhiều. Đáng buồn, con số ấn tượng nhất lại là số học sinh bị điểm liệt quá đông.
"Điều này một mặt khá dễ hiểu, vì dù Lý, Hóa, Sinh có khi còn khó hơn, nhưng là thi trắc nghiệm nên thí sinh đánh đại cũng thoát liệt, còn các môn xã hội thì dù sao các thầy cô cũng có thể đãi cát tìm chì để cho 1,5 điểm. Tuy nhiên, kết quả thi môn Toán là rất đáng lo ngại, vì nếu xem đề thi thì ta sẽ không thể hiểu được vì sao một học sinh đạt điểm trung bình về toán lớp 12 lại không thể kiếm được 1,25 điểm", thầy Dũng trăn trở.
Theo thầy, kết quả môn Toán cho thấy có điều gì đó không ổn. "Ở cách ra đề, cách dạy, hay cách ta cứ đẩy học sinh lên lớp trên? Tôi nghĩ trong vài phần trăm thí sinh bị điểm liệt môn Toán, sẽ có một phần là không thể học, còn đa phần là không muốn học, không chịu học. Mà cái đa phần đó thì trách nhiệm thuộc về chúng ta, về ngành giáo dục", thầy Dũng nói.
Môn Văn không có thí sinh được điểm 10 nhưng từ 9,5 có 11 em. Thí sinh có điểm từ 4,5 đến 6,5 chiếm số lượng nhiều nhất. Hơn 600 thí sinh bị điểm liệt.
Môn Lý chỉ có một thí sinh được điểm 10, hơn 1.400 thí sinh đạt điểm 9 điểm phổ điểm chiếm tỷ lệ lớn nhất là 4-7. Khoảng 260 em bị điểm liệt.
Môn Hóa học, cả nước có 130 thí sinh đạt điểm 10, khoảng 67.500 em được từ 5 đến 8 điểm. Hơn 300 em bị điểm từ 0 đến 1.
Đồ thị môn Sinh học cao chót vót ở khoảng 4 đến 5 điểm. Năm nay đề thi Sinh được đánh giá là khó và dài nên chỉ có 35 thí sinh đạt điểm 10 và 705 em được 9 điểm. Số em bị điểm liệt là gần 300.
Môn Lịch sử dù có 1.083 em bị điểm liệt song có đến 1.450 em trên điểm 9 trong đó 11 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Địa lý mọi năm cũng là môn dễ ăn điểm ở khối C thì năm nay đỉnh đồ thị cao nhất ở mốc 6 điểm với hơn 30.700 thí sinh. Phổ điểm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là từ 5 đến 7. Khoảng 550 em bị điểm liệt và 84 thí sinh được điểm 10.
Ngoại ngữ là môn thi có đồ thị phổ điểm xấu nhất khi đoạn gấp khúc thể hiện điểm 2 đến 3,5 cao đột biến, sau đó xuống đột ngột và thấp dần. Môn thi này có 175 em bị điểm liệt và 59 thí sinh đạt điểm 10.
"Qua phân tích phổ điểm, chúng ta thấy rằng đề thi với nhiệm vụ vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học giúp cho số thí sinh có điểm khá tăng lên đáng kể. Vì vậy, khi tổ hợp các môn thi theo khối A, A1, B, C, D thí sinh đạt điểm khá trở lên sẽ nhiều hơn năm ngoái. Vì vậy, dự báo điểm chuẩn vào các trường tốp giữa sẽ tăng lên khoảng 1 đến 2 điểm", một chuyên gia về đo lường chất lượng nhận định.
Từ hôm nay, Hội đồng xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ họp. Dự kiến 28/7 Hội đồng sẽ trình phương án tư vấn cho Bộ trưởng để quyết định. Từ 1/8, các trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1.
Lan Hạ