Ngày 29/5, nói về kết quả kỳ thi thử THPT quốc gia, ông Trần Hữu Hòa - Hiệu phó trường THPT Marie Curie (quận 3) cho biết, học sinh vừa mới thi học kỳ II, chưa ôn hết chương trình nên kết quả không được khả quan. Còn đại diện của một trường THPT tại Củ Chi cho biết, tổng điểm 4 môn đủ để đậu tốt nghiệp chỉ đạt 30%. Nếu đề thi THPT quốc gia ra ở mức này, sẽ có 70% học sinh của trường rớt tốt nghiệp.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Bình cho biết đang rất lo ngại khi trường có đến 45% học sinh rớt thi thử, điểm liệt cũng chiếm hơn 30%. Còn trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2) có khoảng 40% học sinh không làm được 5 điểm ở môn Toán, điểm liệt có một số em.
Tại trường THPT Nhân Việt, chỉ có môn Lý là 90% học sinh đạt từ điểm trung bình trở lên, những môn khác chỉ có 50% học sinh đạt từ điểm 5.
Trong khi đó, ở một số trường tốp trên như THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Bùi Thị Xuân… kết quả thi khá cao. Trường Nguyễn Thượng Hiền chỉ có một học sinh không đậu tốt nghiệp trong kỳ thi thử THPT quốc gia vì phải bỏ thi giữa chừng và nhập viện. Toàn trường chỉ có hơn 20 học sinh có điểm dưới 5.
“Trường chấm thi rất sát để học sinh thấy điểm thấp mà tập trung ôn tập. Học sinh trường này giỏi nên mới có kết quả cao như vậy chứ nhiều trường khác thấp lắm”, Hiệu trưởng Võ Văn Dũng nói.
Theo bà Võ Thị Huyền - Hiệu phó trường Giồng Ông Tố, đây là kỳ thi thử nên học sinh không cố gắng làm bài hết sức mình. Nhiều em còn có tâm lý làm được thì tốt, không được thì thôi vì không lấy điểm. Thậm chí, nhiều học sinh của trường còn cố tình không chịu làm bài để Bộ Giáo dục thấy kết quả thi thử thấp sẽ ra đề thi thật dễ hơn.
Bà Huyền nói rằng, trong nhiều đợt tập huấn đã có ý kiến với Bộ Giáo dục về cách ra đề thi năm nay. Theo bà, đề thi cần có 2 phần độc lập là xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Thí sinh muốn xét tốt nghiệp thì làm phần một còn muốn xét tuyển vào đại học thì làm phần hai. Còn muốn vừa xét tốt nghiệp vừa xét vào đại học thì làm cả hai phần.
"Chỉ có một đề chung thì sẽ rất bất lợi cho thí sinh. Cải cách thi cử cũng cần phải có lộ trình chứ không thể đốt cháy giai đoạn”, bà Huyền nói.
Ông Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường Nhân Việt cũng cho hay, đề thi THPT quốc gia cần nhẹ nhàng hơn đề thi thử ở TP HCM. Cách ra đề phải đánh giá bao quát được học sinh ở thành thị, nông thôn, vùng xa. "Bộ nên dựa vào đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 rồi cho thêm từ một đến hai câu khó ở phía sau để phân loại thí sinh", ông Hiếu đề xuất.
Nói về kết quả của kỳ thi thử, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Đỗ Minh Hoàng cho biết, đây chưa phản ánh đúng năng lực của học sinh vì các em chưa ôn tập hết. "Đợt này, TP HCM tổ chức thi là để các em làm quen với hướng thi mới, cách ra đề… Đây chỉ là đợt diễn tập trước kỳ thi thật để tránh việc thí sinh ngỡ ngàng khi bước vào đợt thi và vì thế đừng quá quan trọng vào kết quả", đại diện Sở Giáo dục nói.
Ông Hoàng cho biết thêm, ngày 30/5, các trường THPT ở TP HCM sẽ kết thúc việc ôn luyện cho học sinh. Từ nay đến ngày thi, các em sẽ có hai lựa chọn. Một là tiếp tục ôn tập tại trường THPT nơi mình theo học dưới dạng dạy thêm, học thêm; hai là về nhà tự ôn tập hoặc học ở các trung tâm luyện thi.
Trước đó ngày 11/5, 150 trường THPT tại TP HCM đã thi thử THPT quốc gia. Các môn Vật lý, Sinh, Hóa thi theo hình thức trắc nghiệm. Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm.
Cũng trong lần thi thử này, tỉnh Quảng Ngãi có 52 trường, trung tâm giáo dục tham gia nhưng chỉ khoảng 40% thí sinh đỗ. Còn trường THPT Tây Trà (137 học sinh), Trung tâm giáo dục thường xuyên Tây Trà (41 học sinh), THPT Trà Bồng (286 học sinh); một số trường ngay ở TP Quảng Ngãi như THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (212 học sinh), THPT Hoàng Văn Thụ (142 học sinh) có tỷ lệ đỗ 0%. Thầy Đỗ Ngọc Đức, Hiệu trưởng trường THPT Trà Bồng cho hay, phòng thi 24 thí sinh mà có tới 10 em bị điểm 0 ở môn Toán. Tương tự, trường THPT Tây Trà, có 50% số học sinh bị điểm 0 môn Toán, số còn lại cao nhất được 1,5 điểm. Môn Văn có một học sinh đạt 5,5 điểm; hầu hết là 0,5, 1 và 2 điểm. Ông Nguyễn Minh Trí, Phó giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi cho biết, đây là kỳ thi thử, không chịu nhiều áp lực thành tích nên nó đã phản ánh đúng thực chất học lực của học sinh. "Từ thực tế này ngành giáo dục sớm có giải pháp bồi dưỡng phù hợp cho học sinh cho kỳ thi chính thức sắp tới", ông Trí nói. Nhiều giáo viên cho hay, lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức kỳ thi thử để giúp học sinh lớp 12 làm quen, chuẩn bị tâm lý khi bước vào kỳ thi chính thức. Đề thi thử khó hơn các đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục đã công bố trước đó. |
Nguyễn Duy - Trí Tín