Ngày 22/6, tại điểm thi THCS Võ Trường Toản (quận 1, TP HCM) có gần 100 chiến sĩ nghĩa vụ công an mặc thường phục dự thi THPT quốc gia. Các chiến sĩ trẻ, 21-22 tuổi, đến từ nhiều đơn vị công an khác nhau đóng trên địa bàn như Phòng bảo vệ 180 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động - PC65, Trung đoàn Cảnh sát cơ động - PK20.
Khi công tác tại các đơn vị, các chiến sĩ nghĩa vụ công an được động viên học tiếp để phục vụ lâu dài trong ngành. Do đó, họ đăng ký thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp ngành công an.
Trung sĩ Phạm Khắc Huy (Phòng bảo vệ 180) cho biết, đơn vị có 20 chiến sĩ tham gia kỳ thi và đều chọn 3 môn Ngữ văn, Toán và tổ hợp khoa học xã hội. Sau giờ làm việc mỗi ngày, các anh bắt đầu tập trung ôn luyện cho kỳ thi.
Ngoài thời gian học chung cùng đồng đội, mỗi tối Huy dành khoảng 2 giờ để tự ôn bài. "Kiến thức lớp 12 đã bỏ qua ba năm nay nên giờ học lại cũng có chút khó khăn. Nhưng được thầy cô động viên và giúp đỡ nhiều nên tôi cảm thấy tự tin lắm", Huy nói, nở nụ cười sảng khoái.
Kết thúc ngày thi đầu tiên, nhiều chiến sĩ tỏ ra thoải mái vì họ làm bài khá tốt. Với môn Văn, các thí sinh mặc áo lính này đánh giá đề không quá khó, dễ dàng đạt 6-7 điểm. Trung sĩ Nguyễn Tấn Đạt (Phòng bảo vệ 180) hào hứng vì bài thơ Đất nước trong đề Văn đã được ôn tập kỹ lưỡng, đồng thời nghị luận văn học là sở trường của mình.
"Không chỉ nói về quan điểm đất nước của tác giả là tình yêu đôi lứa, chiều dài lịch sử và văn hóa, tôi đã lồng vào đó những cảm nhận riêng của mình", Đạt khoe.
Trong khi đó, trung sĩ Nguyễn Tuấn Anh (Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) vừa rời khỏi điểm thi đã tranh thủ gọi điện khoe người yêu làm bài tốt. "Đề thế này là vừa sức, do viết hăng quá nên cuối giờ tôi có hơi vội một chút. Sẽ ráng làm các môn còn lại", Tuấn Anh nói và cho biết nguyện vọng năm nay vào Đại học An ninh nhân dân.
Phạm Phúc