Tại buổi họp báo chiều 5/5, Phó giám đốc thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ sáng cùng ngày là 5.100, số có mặt hơn 4.900 (chiếm 96%). Có những điểm duy nhất một thí sinh bỏ thi như ở ĐH Thủ đô.
Số thí sinh phải chuyển ca thi Ngoại ngữ là 8 em (0,15%) trong đó một trường hợp nhờ bố đăng ký dự thi, con muốn thi tiếng Anh nhưng bố đăng ký tiếng Pháp. Thí sinh đề nghị chuyển ca thi khác và đã được tạo điều kiện thi tiếng Anh.
Theo Phó giám đốc ĐH Quốc gia, kỳ đánh giá năng lực là do trường đứng ra tổ chức chứ không phải cả hệ thống nên phải giới hạn thí sinh. Có những thí sinh chưa đăng ký thi trong tháng 5 thì có thể đăng ký dự thi trong tháng 8. Trường sẽ dành một số lượng chỉ tiêu nhất định cho đợt tuyển sinh sau nhằm tuyển được trò giỏi, có nguyện vọng vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia.
Trong thực tế, khi ĐH Quốc gia đóng hệ thống một số thí sinh vẫn có nguyện vọng thi nên chấp nhận đi xa. Ví dụ một số thí sinh ở Hà Nội muốn thi nhưng Hà Nội đã đủ, tự nguyện đăng ký thi tại Nghệ An, Đà Nẵng.
"Cơ hội dành cho thí sinh có nguyện vọng vào ĐH Quốc gia trong đợt thi sau vẫn rất lớn, tỷ lệ là bao nhiêu thì phải dựa trên kết quả tính toán sau khi có kết quả của đợt thi đầu tiên", ông Sơn cho hay.
Năm 2016, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi đánh giá năng lực đã tăng gấp đôi (từ hơn 4.000 lên 8.000 câu) đã được chuẩn hoá, nên đáp ứng được đề cho thí sinh tăng lên.
Ngân hàng đề là bảo mật, nên sẽ không công bố đáp án và không phúc khảo vì so với thi truyền thống kỳ này có nhiều khác biệt. Đây là bộ đề dùng nhiều lần, luôn đổi mới và được chuẩn hoá qua quá trình kỳ công với 13 bước thử nghiệm và xây dựng.
Đợt thi đánh giá năng lực lần này của ĐH Quốc gia số thí sinh dự thi cao gấp 1,5 lần so với năm trước, tính chất thay đổi, kết quả bài thi không chỉ sử dụng cho tuyển sinh vào các đơn vị của ĐH Quốc gia mà còn áp dụng với 8 trường đại học ngoài hệ thống.
Hoàng Thuỳ