Mùa tuyển sinh năm 2017 chứng kiến sự tăng đột biến điểm chuẩn các khối trường, trong đó có Y Dược. Điểm trúng tuyển trung bình các mã ngành của 15 trường có đào tạo Y Dược là 24,63, cao thứ hai sau khối trường công an và trên khối trường quân đội.
Chuẩn đầu vào Học viện Quân y năm nay đụng trần với 30 điểm (nữ - khối B - miền Bắc và nữ - khối A - miền Nam), tăng 1,25 điểm so với năm trước.
Mức trúng tuyển các mã ngành của 14 đại học dân sự có đào tạo về Y Dược khác cũng tăng đột biến. Lần đầu tiên tuyển sinh cả nước, ngành Y đa khoa của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng 4,2 điểm chuẩn, từ 22,8 lên 27. Điểm trúng tuyển tất cả mã ngành của Đại học Y Hà Nội đều nhích lên 0,5-2,26.
Chỉ tính ngành Y đa khoa, điểm chuẩn năm nay của các trường đều cao nhất trong 3 năm. Điểm trung bình ngành này của 14 trường là 27,1 cao hơn trung bình năm 2015 và 2016 lần lượt là 5 và 4 điểm.
Trường đau đầu tính tiêu chí phụ
Giải thích về điểm chuẩn tăng mạnh, đại diện nhiều trường Y Dược cho biết, do điểm thi, phổ điểm của thí sinh cao nhờ phương thức thi mới. Cũng bởi nhiều thí sinh có tổng điểm 3 môn cao, chênh lệch giữa các em ít nên nhiều trường phải đưa ra tiêu chí phụ, thay vì không có hoặc chỉ có tối đa 2 tiêu chí như mọi năm.
"Hơn 600 hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào ngành Y đa khoa thì 450 là nguyện vọng 1. Những em này đều đạt từ 29,25 điểm trở lên ở các tổ hợp xét tuyển", đại diện Đại học Y Hà Nội cho biết.
Trường tuyển 500 chỉ tiêu Y đa khoa, điểm trúng tuyển dù đạt 29,25, nhưng vẫn phải dùng đến 4 tiêu chí phụ để lọc thí sinh có điểm xét tuyển làm tròn bằng điểm chuẩn. Thứ tự ưu tiên các tiêu chí phụ là: điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm Toán, điểm Sinh, thứ tự nguyện vọng.
Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam điểm chuẩn tất cả ngành đều tăng 1,25-2 so với năm trước, nhưng cũng phải dùng 4 tiêu chí phụ để chọn thí sinh có điểm xét tuyển làm tròn bằng mức chuẩn. Đó là các tiêu chí: điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm môn Sinh, môn Toán và thứ tự nguyện vọng.
Đại học Y Dược TP HCM lọc thí sinh có tổng điểm bằng chuẩn qua 2 bước: ưu tiên 1 là điểm Ngoại ngữ, ưu tiên 2 là điểm Hóa, Sinh.
Nhiều thí sinh đủ điểm vẫn trượt
Với nhiều tiêu chí phụ, có thí sinh dù đạt 29,25 vẫn bị trượt nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM. Trường hợp em Hưng ở Hà Nội là ví dụ. Với số điểm các môn Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10 và không có ưu tiên khu vực, tổng điểm xét tuyển của em sau khi làm tròn là 29,25 (tổng điểm 3 môn được làm tròn đến 0,25, nguyên tắc là làm tròn về số lẻ gần nhất với các mức 0,25; 0,5 và 0,75).
Theo quy định của trường, Hưng thuộc nhóm thí sinh phải dùng tiêu chí phụ xét tuyển do điểm bằng mức chuẩn. Khi xét ưu tiên đầu là điểm chưa làm tròn từ 29,2, em bị trượt do tổng điểm thực tế 3 môn là 29,15. Dù đỗ vào hệ dân sự của Học viện Quân y, Hưng cho biết thiếu 0,05 điểm để vào trường đại học mơ ước là "quá sức chịu đựng với em". Đây là năm thứ hai Hưng thi đại học.
"Đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, chỉ có 2-3 câu khó mà điểm cộng khu vực vẫn giữ mức 0,5-1,5 thì có gì đó hơi thiếu công bằng", nam sinh chia sẻ.
Trường hợp thí sinh ở TP HCM được tổng điểm 3 môn chưa làm tròn là 29,35, điểm xét tuyển theo đó là 29,25, bị vào diện phải lọc bằng tiêu chí phụ của ngành Y đa khoa, Đại học Y Dược TP HCM. Em này sau đó bị trượt ưu tiên một do điểm tiếng Anh thấp hơn các thí sinh cùng điểm xét tuyển.
Đánh giá về việc một số thí sinh điểm cao vẫn trượt, một bác sĩ kiêm nhiệm giảng dạy ở trường y cho rằng với quy định không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1 vào Y Hà Nội hay Y Dược TP HCM thì vẫn còn rất nhiều cơ hội vào ngành Y đa khoa của các trường tên tuổi khác.
"Tha thiết theo ngành Y thì có nhiều con đường, không thể cứng nhắc và kêu la bất công. Với kỳ tuyển sinh vừa để xét tuyển đại học, vừa để tốt nghiệp, việc chênh lệch 0,5-1 điểm không cho thấy sự khác biệt của chất lượng đầu vào, quan trọng nhất với nghề là sự quyết tâm theo đuổi, kiên trì học hỏi", bác sĩ nói.