- Là trưởng ban chỉ đạo kỳ thi chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, cảm giác của ông thế nào khi kỳ thi đã hoàn tất?
- Với một kỳ thi chưa từng được triển khai tại Việt Nam, là trưởng ban chỉ đạo, tôi ý thức được đây là việc nặng và khó. Nhưng không chỉ có một mình, bên cạnh tôi còn cả một tập thể, những nhà chuyên môn, những người thực hiện. Chưa bao giờ trong một kỳ thi mà toàn bộ lực lượng của Đại học Quốc gia Hà Nội được huy động với tinh thần quyết tâm cao như vậy. Chúng tôi mong muốn thực hiện cho được triết lý, định hướng giáo dục toàn diện hướng đến sự đổi mới.
Nhờ các bước chuẩn bị chu đáo nên những vấn đề phát sinh không nằm ngoài tiên lượng của chúng tôi. Kết thúc kỳ thi có rất nhiều cảm giác, nhưng rõ nhất là niềm vui vì chúng tôi đã đi được một bước khá quan trọng.
- Trong kỳ thi đánh giá năng lực, mỗi thí sinh sẽ được máy tính tự động tổ hợp một đề thi. Làm sao để có được sự công bằng về độ khó dễ trong đề của mỗi em?
- Một trong những việc tốn công sức của chúng tôi trong nhiều năm là tạo ra bộ đề nguồn đủ lớn. Và điều quan trọng nhất là cân bằng độ khó của các nhóm câu hỏi, từ đó máy tính có thể tổ hợp từ bộ đề nguồn để ra các đề có độ khó, dễ tương đương nhau.
Đại học Quốc gia Hà Nội may mắn có số lượng chuyên gia trong lĩnh vực khảo thí rất lớn. Chúng tôi còn đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ về đo lường đánh giá trong giáo dục. Trong bộ đề nguồn, câu hỏi thuộc các lĩnh vực, ở các nhóm đều có độ khó dễ tương đương. Mỗi câu hỏi đều được thử nghiệm 3 lần trước khi cho vào nhóm để máy tính tổ hợp. Vì vậy, chắc chắn thí sinh công bằng trong độ khó hay dễ của đề thi.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn. |
- Ông nghĩ sao trước ý kiến với câu hỏi trắc nghiệm 4 phương án, thí sinh có thể ăn may?
- Đối với khoa học kiểm tra đánh giá, lý thuyết khảo thí hiện đại từ nhiều chục năm cho thấy 4 phương án trả lời cho mỗi câu hỏi trắc nghiệm có xác suất tốt, đã được khẳng định. Đây không phải sáng tạo của Đại học Quốc gia mà là thông lệ của thế giới, trong đó thi trắc nghiệm đảm bảo đem đến kết quả khách quan.
Cụ thể, trong lý thuyết khảo thí hiện đại thì sác xuất không phải là 1/4, vì 1/4 chỉ là trong một câu hỏi, còn tính trong tổng thể câu hỏi của toàn bộ một đề thi thì theo công thức tính khả năng đoán mò của thí sinh, con số này nhỏ hơn rất nhiều so với 25% xác suất chọn được câu đúng.
Ban đầu, chúng tôi có phương án đề xuất trừ điểm những câu sai để tránh khả năng đoán mò như Mỹ đã làm, tức là trừ 1/3 điểm cho mỗi câu sai (vì trong 4 phương án có 1 đáp án đúng, 3 đáp án sai, nên chỉ trừ 1/3 điểm). Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thì quyết định chưa áp dụng vì người Việt Nam chưa quen với việc bị trừ điểm.
- Phân tích dữ liệu điểm ban đầu cho thấy trên 70% thí sinh đạt từ điểm trung bình trở lên cho thấy đề thi đã sàng lọc đại trà tốt. Vậy việc sàng lọc thí sinh xuất sắc đề đã làm như thế nào?
- Hiện nay chúng tôi mới phân tích điểm thi của một số điểm và hai thí sinh cao nhất đang được 125, tương đương khoảng 9 điểm nếu muốn so sánh với thang điểm 10. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải khẳng định rằng thang điểm 140 và thang điểm 10 là khác nhau, không nên quy đổi vì 2 bộ điểm được xây dựng trên lý thuyết, triết lý khác nhau.
Thí sinh đạt điểm 70-80 chiếm tỷ lệ cao không thể hiện đề tốt hay xấu mà thể hiện khả năng phân hoá, phân loại của đề thi đã tốt, nghĩa là đạt được hiệu quả phù hợp với trình độ thí sinh. Đồ thị ở mức cao nhất rơi vào điểm trung bình và ít dần xuống hai cực. Nếu điểm cao nhất rơi vào nhóm điểm cao thì không phù hợp với thực tế.
Nhóm 20% câu hỏi khó là để phát hiện tài năng vì một trong những nhiệm vụ của Đại học Quốc gia Hà Nội là phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Nếu có thí sinh đạt điểm tuyệt đối thì sẽ là câu chuyện kỳ thú.
- Kỳ thi được hứa hẹn là sẽ giảm tiêu cực, áp lực, tốn kém. Giảm áp lực và tiêu cực thì đã nhìn thấy rõ, còn tốn kém thì như thế nào?
- Giảm tốn kém đối với xã hội đã thấy rõ như chỉ tốn 100.000 đồng lệ phí thi, không phải tốn tiền thuê nhà nghỉ trong ba ngày, thi một buổi rồi về ngay, tổ chức tại nhiều địa phương nên giảm chi phí đi lại và tổng chi phí cho xã hội. Còn đối với đơn vi tổ chức thi thì đương nhiên với việc tổ chức thi trên nền tảng công nghệ phải có sự chuẩn bị. Thường thì chỉ phải đầu tư lớn ban đầu, những năm sau chi phí sẽ giảm đi.
Khi chúng tôi có bộ đề, có phần mềm được các chuyên gia trình độ cao của Đại học Công nghệ xây dựng riêng mang thương hiệu Đại học Quốc gia, hàng năm chỉ đổi mới bộ đề với tỷ lệ hợp lý, mở rộng ra với phần mềm được thiết kế, công nghệ, quy trình đã có sẵn, đem áp dụng cho số đông thì giá thành sẽ càng rẻ.
- Thí sinh Trâm Anh bay từ TP HCM ra Hà Nội thi và ông đã gặp em này. Với những thí sinh phải đi quãng đường xa như vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội có ưu tiên gì?
- Có một thí sinh hiếm hoi từ TP HCM ra thi. Em ấy đã viết email cho tôi nói rằng đọc báo thấy thầy xuất hiện nhiều quá, tra Google thì ra địa chỉ email của thầy nên muốn qua chào. Tôi đồng ý và nội dung cuộc trao đổi đó là chào nhau, tôi hỏi thăm sức khoẻ và lý do tại sao em muốn thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Em nói muốn trải nghiệm về cách thi lý thú, mới mẻ.
Thí sinh này cho biết vốn sở trường ôn thi khối B, từng làm đề mẫu và đạt điểm khá. Nhưng đến khi ra thi thật, ở phần tự chọn, em đã quyết định chọn Khoa học xã hội thay vì Khoa học tự nhiên. Nhưng nữ sinh này hơi tiếc vì chỉ được 73 điểm, tôi cũng có vài lời an ủi.
Thí sinh đi ra Bắc thi, ngoài tiền mua vé máy bay chỉ còn 500.000 đồng. Bạn ấy được ở ký túc xá của Đại học Quốc gia Hà Nội với giá 35.000 đồng mỗi ngày. Tôi cho rằng đó là thí sinh tự tin, thích trải nghiệm.
Hoàng Thuỳ thực hiện