Trong kỳ thi THPT quốc gia, Phan Văn Huy, cựu học sinh lớp 12A11 trường THPT Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đạt 26,75 điểm khối B, trong đó Toán 8,25, Sinh 8,5, Hoá 10. Với nhiều người, đây là số điểm mơ ước, nhưng Huy lại không dùng tới điểm số này. Ngày thông báo điểm, tới tận đêm khuya em mới vào mạng xem kết quả.
Huy sinh ra trong gia đình có 3 anh em, bố mất sớm, mẹ đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Sống xa vòng tay mẹ, anh em Huy đều phấn đấu học tập, hiện hai người anh theo học Đại học Y và Đại học Bách khoa Hà Nội. Riêng Huy là học sinh giỏi, từng đoạt giải khuyến khích thi giải toán trên máy tính Casio quốc gia.
Cậu học trò có dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt hiền, đôi mắt sáng tâm sự tuy đạt điểm cao, nhưng sẽ không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. Em dự định tìm một hướng đi mới mà không thông qua giảng đường.
Trước đó, Huy từng ý định nộp hồ sơ vào Đại học Kinh tế quốc dân, tuy nhiên qua thời gian cậu lại đưa ra hướng đi khác. Nam sinh tâm sự vào đại học là mơ ước của bất cứ ai, nhưng qua thực tiễn cậu thấy rằng bây giờ học đại học ra cũng không có gì đảm bảo chắc chắn cho tương lai, sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, làm trái ngành nghề. Do đó, Huy vạch ra lộ trình riêng, thời gian đầu cậu muốn dành công sức, tiền bạc trau dồi kỹ năng tiếng Anh.
Chia sẻ về ước mơ, Huy tâm sự, có thể bây giờ nói ra nhiều người sẽ cho rằng đó là thiếu tực tế, viển vông, tuy nhiên nam sinh muốn theo đuổi con đường kinh doanh một mặt hàng nào đó, trở thành một người thành đạt trên lĩnh vực này. Thần tượng của em chính là những người rất thành công, nhưng không học đại học như bầu Đức… “Bạn bè khuyên nên suy nghĩ lại. Hai anh trai và một số ít người vẫn ủng hộ. Chỉ riêng mẹ tới giờ vẫn chưa hiểu suy nghĩ của em”, Huy tâm sự.
Để đưa ra quyết định không học đại học, Huy tìm hiểu, đọc rất nhiều sách. Cậu cho rằng xã hội hiện nay rất quan trọng chuyện bằng cấp. Với bản thân, Huy ý thức được việc nếu không có bằng cấp thì làm việc gì cũng rất khó, sẽ bị coi thường. Tuy nhiên, cậu vẫn lạc quan, bởi cái gì cũng có hai mặt, nhiều người thất bại, nhưng cũng có người thành công, em sẽ noi gương số ít đó.
Nhiều người quan niệm đại học là nơi tích luỹ kiến thức nền, nhưng Huy lại suy nghĩ rằng đại học chỉ quan trọng đối với những ngành nghề cần sự chuyên môn chắc chắn, chẳng hạn như là giáo viên hoặc bác sĩ. Đây là hai ngành khó có thể thay thế được, không học qua thì không thể làm.
“Em ước mơ theo đuổi con đường kinh doanh, cho nên nghĩ kiến thức chuyên môn thì vài năm sau bắt đầu học cũng chưa muộn. Hiện tại em học tiếng Anh thật tốt, đồng thời có sự trải nghiệm bằng những công việc làm thuê bình thường để tích lũy thêm kỹ năng sống”, Huy nói và cho hay sau này rất muốn tìm những người nước ngoài để nói chuyện, đọc những cuốn sách về kinh doanh chưa được dịch ra tiếng Việt.
Thầy Nguyễn Đình Thám, Hiệu trưởng trường THPT Hồng Lĩnh cho biết, Huy là học trò rất cá tính và có suy nghĩ đi trước mọi người. “Vào tháng 12 vừa rồi, khi được chọn đi dự thi giải toán trên máy tính Casio quốc gia Huy đã từ chối, tuy nhiên sau nhiều lần khuyên nhủ, em đã đi và đạt giải”, thầy Thám nói và cho hay Huy có tố chất thông minh, học rất giỏi môn Hoá và các môn tự nhiên. Biết ý định học trò không theo học đại học, thầy chỉ khuyên em trước tiên phải làm cách nào đó để tồn tại, sau đó tính những quãng đường tiếp theo.
Theo thầy Thám, anh trai của Huy đang là một sinh viên đại học Y khi biết ý định cũng đã gửi thư tới thầy, bày tỏ sự ủng hộ và chia sẻ trước ước mơ của em trai. Người anh tâm sự rằng đó là ước mơ của một người vừa chập chững vào đời, có thể suy nghĩ ấy là nông cạn, bồng bột, nhưng cũng cần trân trọng và tạo điều kiện để em trai theo đuổi dự định.
Huy có một tính cách khác với mọi người, không chơi các mạng xã hội, chỉ chuyên tâm tìm hiểu kiến thức cuộc sống xung quanh. “Đây là suy nghĩ riêng của bản thân, em không hề có ý tự cao, chê bai bất cứ ai, vì em cũng chỉ là học sinh mới rời ghế nhà trường, mọi thứ đang là số không tròn trĩnh”, Huy nói.
Đức Hùng