Ngôi nhà mái tôn rộng chừng 20 m2 mới xây cuối con ngõ nhỏ xóm chợ, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) là nơi ở của gia đình thủ khoa khối A (24,75 điểm) ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) Trịnh Văn Chiến. Theo người bạn cùng ngõ, ngôi nhà này trước đây còn xập xệ, thấp bé, tồi tàn hơn rất nhiều.
"Ngày nào mưa em sang chơi cũng phải lội nước từ ngõ tới tận trong nhà. Lớp 6, Chiến một mình sống ở đó. Lên lớp 8, hai em trai bạn ấy về ở cùng để bố mẹ vào Nam làm ve chai. Nhiều hôm sang rủ Chiến đi học, em thấy mấy anh em xì xụp mỳ tôm hoặc ăn cơm nguội", người bạn chia sẻ.
Nhà chỉ có một sào ruộng, đồng lại ngập úng quanh năm nên vợ chồng anh Trịnh Văn Kháng (bố mẹ Chiến) mang theo hai con rời quê vào Nam kiếm sống. Mỗi năm, họ về thăm nhà 1-2 lần vào dịp lễ Tết. 10 năm bươn chải, vợ chồng anh Kháng xây được ngôi nhà cấp bốn "ngày hè nóng như lò bát quái, mùa đông lạnh căm căm" nhưng may mắn không ngập, giột để các con ở.
Khi cậu út đến tuổi vào cấp I, vợ chồng anh Kháng đưa con ra Bắc để ba anh em Chiến tự lập học hành. Đến nay đã 5 năm, Chiến thay bố mẹ chăm nuôi các em.
"Hồi đầu bọn em sợ lắm. Nhà ở cuối ngõ heo hút nên mấy đứa chẳng dám đi đâu vì sợ ma. Những buổi tối, ba anh em nằm nhớ bố mẹ rồi ôm nhau khóc. Có lần em thứ hai bị ốm, anh chị họ gần nhà đi vắng hết, em phải chạy xuống nhà ngoại nhờ đưa nó ra trung tâm y tế huyện. May mà tình trạng em ấy không nguy hiểm", Chiến kể lại.
Là anh cả trong gia đình, Chiến chăm sóc hai em từng bữa ăn, giấc ngủ, nhắc nhở học bài. Sáng rang cơm nguội cho các em ăn rồi đi học, trưa, chiều đi học về Chiến lại tất bật hái rau, mua đậu nấu nướng. Nhiều lần bố mẹ chưa kịp gửi tiền về, mấy anh em ăn mỳ tôm qua ngày. Thi thoảng, Chiến sang họ hàng xin trứng gà về cải thiện bữa cơm.
"Anh Chiến toàn nấu cơm, giặt giũ cho chúng em. Giờ em đã biết làm việc nhà giúp anh rồi", bé út tên Trường (10 tuổi) nói, mắt không rời những viên bi đang chơi với đám trẻ cùng ngõ.
Bà Cấn (83 tuổi, hàng xóm) và cô giáo chủ nhiệm cấp ba Kiều Thị Lệ Thủy hết lời ca ngợi cậu bé nhà nghèo Trịnh Văn Chiến, một mình chăm nuôi hai em thành những đứa trẻ ngoan, học giỏi.
"Ba năm cấp ba, Chiến là học sinh tiên tiến và học rất tốt môn Toán. Em hòa đồng, chăm chỉ và hay tổ chức các nhóm học để tìm ra phương pháp học Toán, Hóa hiệu quả", cô chủ nhiệm nói.
Theo cô, Chiến là một đứa trẻ cá tính, nghị lực và quyết tâm học giỏi để thoát nghèo mạnh mẽ. Cuộc sống tự lập từ bé khiến em trở nên nghiêm khắc với bản thân, các em và bạn bè. Có lần em trai mắc lỗi, Chiến phạt em đứng nắng 2 tiếng đồng hồ. Cô chủ nhiệm biết chuyện, chỉ cho Chiến cách dạy dỗ khéo léo hơn.
Hay tâm sự với cô giáo nhưng Chiến chưa bao giờ than phiền về sự nhọc nhằn, thiếu thốn. Có những lần, Chiến gầy rộc người đi vì ăn uống thiếu chất, cô giáo nhắc, em chỉ cười khì. Mẹ Chiến khi được cô chủ nhiệm gọi điện báo tin đã bao lần nức nở: Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi phải để các con ở nhà bơ vơ, trăm sự nhờ cô giáo giúp đỡ.
Khoảng 6 tháng trước, mẹ Chiến về quê thu mua đồng nát để chăm sóc các con, giúp cậu cả có thời gian ôn thi đại học. Mới đây, bố Chiến cũng về thăm gia đình và tranh thủ phụ hồ kiếm thêm.
Ngày biết tin con đỗ thủ khoa ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, vợ chồng anh Kháng mừng rơi nước mắt. Nhớ thời gian con đăng ký thi đại học, phải thuyết phục mãi Chiến mới thi thêm khối nữa. Tự tin đỗ trường đầu, Chiến bỏ luôn việc thi khối B và trường Y Hải Phòng để tiết kiệm tiền đi lại.
"Tính cách Chiến lúc nào cũng quyết đoán như thế, quyết gì là phải làm cho bằng được. Mấy hôm trước cháu lén nhà ra thủ đô kiếm việc, vợ chồng tôi phải thuyết phục mãi Chiến mới về nghỉ ngơi", anh Kháng mỉm cười nhìn con trai.
Với giọng cương quyết, Chiến đáp lời bố rằng, sau khi nhập học sẽ làm thêm để bớt gánh nặng cho gia đình. Sắp tới, cậu cả phải học xa nên mẹ Chiến ở hẳn quê chăm sóc hai người em. Bố Chiến sẽ một mình vào Nam kiếm tiền nuôi gia đình. "Hai vợ chồng cùng làm mà đời sống còn chật vật, giờ một mình tôi thì cũng cứ cố gắng thôi chứ biết làm sao", anh Kháng tặc lưỡi.
Quỳnh Trang