Trong buổi làm việc rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông chiều 21/8, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, đợt tuyển sinh vừa qua đã bộc lộ những bất cập.
Việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Báo cáo cho thấy, có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học. Nhiều người phải đi lại, chờ trực tại các trường đại học gây nên sự tốn kém, phiền hà.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này", Bộ trưởng Luận nói, đồng thời công bố những chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển thứ 2.
Theo đó đợt 2 sẽ không có việc điều chỉnh đăng ký xét tuyển nguyện vọng, thí sinh đăng ký bằng phiếu lấy từ trên mạng, gửi về trường đại học qua các trường THPT nơi các em theo học hoặc Sở Giáo dục. Bộ cũng yêu cầu các trường đại học nhanh chóng công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu còn lại cho nguyện vọng 2. Ngay sau khi các trường xét tuyển xong đợt 2 sẽ công bố kết quả tuyển sinh, không chờ thời hạn 20 ngày như đợt 1.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận cố gắng của Bộ, đóng góp của người dân, chính quyền các cấp trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, cơ bản đạt mục tiêu như chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả kỳ thi chưa tốt. Mục tiêu ban đầu là tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh, nhưng vẫn còn để nhiều người dân và thí sinh phải vất vả.
"Qua đánh giá của Bộ Giáo dục, ý kiến phát biểu của các cơ quan chức năng và người dân, Bộ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, của dư luận để có ngay những giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu, khả thi", Phó thủ tướng nói.
Bà Lâm Phương Thanh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, các đơn vị của Ban Tuyên giáo đã có cuộc thăm dò dư luận xã hội về kỳ thi THPT quốc gia 2015. Đa số đánh giá cao kỳ thi cơ bản đã đạt được 2 mục tiêu lớn là tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội và giảm áp lực thi cử cho phụ huynh, học sinh.
"Đây là cố gắng lớn của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, bước đầu thì thực hiện rất tốt nhưng việc sử dụng kết quả trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng thì làm chưa được tốt", bà Lâm Phương Thanh nhận định.
Lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Giáo dục nên lắng nghe góp ý của các nhà khoa học, các trường, học sinh, phụ huynh, từ đó có giải pháp khắc phục để việc xét tuyển đợt 2 làm tốt hơn và tốt cả những năm sau.
Sau 13 năm tổ chức tuyển sinh 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi), năm 2015 lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi diễn ra vào ngày 1-4/7 được đánh giá là khá suôn sẻ, nhưng khâu xét tuyển vào các trường đại học lại lộn xộn, đặc biệt là vào ngày cuối cùng của đợt 1 (20/8).
.
Hoàng Thuỳ