- Đánh giá tổng quan của ông về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014?
- Nhìn bề ngoài thì đó là kỳ thi an toàn, được lòng dân. Người dân phấn khởi vì mấy lẽ: con em đi thi vất vả, đề bài đã dễ hơn lại còn được chọn hai môn. Đề thi đã ra theo hướng nhiều kiến thức thực tiễn, giảm kiến thức bắt buộc. Việc coi thi, chấm thi cũng thông thoáng hơn. Phải nói là năm nay các thí sinh được chiều hết cỡ. Chuyện có em được cả một hội đồng mười mấy người phục vụ đã cho thấy tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu".
Nhìn sâu bên trong, ta sẽ thấy kỳ thi năm nay có vấn đề. Ngay việc cho thí sinh tự chọn môn thi đã bộc lộ điều đó. Nó nằm ở các môn mà học sinh không chọn, ví dụ như Lịch sử. Việc ít thí sinh chọn môn này rõ ràng vì chương trình nặng về hàn lâm, quá tải, phương pháp dạy cứng nhắc nên các em không hứng thú.
Sau niềm vui kết thúc kỳ thi, đến hôm công bố tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, con số 99% đỗ đạt lại làm người dân không vui. Họ băn khoăn lắm. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ấy có gì đó đồng nghĩa với việc 99% chưa thi đã biết đỗ.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, đổi mới thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 chỉ để đối phó với áp lực xã hội. |
- Bộ Giáo dục chủ trương đổi mới thi cử, vậy theo ông kỳ thi vừa qua đã thực sự làm được điều này?
- Đổi mới thi cử là làm sao qua kỳ thi thấy nó tác động đến phương pháp dạy và học, cũng như thiết kế chương trình đào tạo.
Trong ba trụ cột cần đổi mới của giáo dục là: đổi mới chương trình; phương pháp dạy và học; đổi mới thi cử thì Bộ chọn cái thứ ba. Chọn thi vì so với hai cái còn lại, nó dễ làm nhất thôi chứ chẳng phải vì logic. Làm đúng quy luật thì đầu tiên phải đổi mới từ chương trình, cách dạy học, cuối cùng mới là thi cử. Phải học gì thi nấy chứ không phải học quá nặng trong khi thi nhẹ nhàng. Nếu làm phần ngọn trước như thế này sẽ gây ra những hệ lụy là khiếm khuyết của thiết kế chương trình.
Kỳ thi vừa rồi, nói chính xác mới chỉ làm giảm áp lực từ dư luận, đối phó với áp lực của những kỳ thi trước mà xã hội tạo ra thôi.
- Tham gia khảo sát của VnExpress, 78% trong số 4.800 độc giả cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Nếu giữ kỳ thi tốt nghiệp thì vẫn còn nhiều sức ép, tốn kém. Vừa rồi, để giảm sức ép, Bộ Giáo dục đã dùng một số biện pháp như: cộng điểm trung bình, giảm số môn học thi bằng cách cho thí sinh tự chọn. Nhưng đó là cách làm giảm bức xúc của dư luận thôi. Một kỳ thi mà trước khi bắt đầu gây ra không ít sức ép, lo lắng, thậm chí sợ hãi mà có đến 99% thí sinh đỗ thì có cần thiết phải tổ chức thi.
- Kỳ thi vừa qua được Bộ Giáo dục đánh giá là an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, tại những hội đồng thi làm chặt, có camera giám sát như trường Nam Lương Sơn (Hòa Bình) tỷ lệ đỗ rất thấp. Nhà trường cho rằng việc bị giám sát gây tâm lý khiến học sinh trượt nhiều. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Giám sát bằng camera được thực hiện ở nhiều nơi chứ không chỉ hội đồng thi Nam Lương Sơn. Có camera hay không, không thể khiến học sinh trượt nhiều được. Cái chính là tỷ lệ đỗ thấp ấy phơi bày ra chất lượng học sinh.
Tôi biết ở Hà Nội cũng có một trường đỗ rất thấp chứ không phải riêng THPT Nam Lương Sơn. Tình trạng ấy là do chất lượng dạy học nhiều nơi có vấn đề.
Quỳnh Trang - Chí Hiếu