Hà Nội vừa tổ chức hội thảo xây dựng phát triển trường chất lượng cao trên địa bàn nhằm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để phát triển hệ thống này. Đến tháng 6/2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quyết định công nhận trường chất lượng cao cho 7 trường, gồm: Mầm non Đô thị Sài Đồng (Long Biên), Mẫu giáo 20-10 (Hoàn Kiếm), Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm), Tiểu học Nguyễn Siêu (Cầu Giấy), Tiểu học đô thị Sài Đồng (Long Biên), THCS-THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy), THPT Phan Huy Chú (Đống Đa). Ngoài ra, 11 trường cũng được phê duyệt thí điểm là chất lượng cao trong năm học 2014-2015.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, trường chất lượng cao có thuận lợi về cơ sở vật chất tốt, sĩ số học sinh thấp nên giáo viên có điều kiện để quan tâm theo dõi học sinh. Do được tự chủ nên nhà trường đáp ứng được những yêu cầu, dịch vụ và nguyện vọng của cha mẹ học sinh. "Nhưng đây là mô hình mới, đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn mới đáp ứng đủ theo quy định chứ chưa dồi dào nên hoạt động chưa có tính đặc thù. Sĩ số học sinh tại các trường công lập chất lượng cao còn thấp hơn so với đề án vì chưa tạo sức hút đối với cha mẹ học sinh", ông Đại nhận định.
Tại hội nghị, hiệu trưởng một số trường chất lượng cao nêu khó khăn về vấn đề tài chính bởi theo quy định, các trường được công nhận chất lượng cao sẽ chỉ được cấp kinh phí năm đầu tiên, các năm sau phải tự hạch toán thu chi.
Cô Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Dịch cho hay, là một trong những trường thực hiện thí điểm, trường có lộ trình tăng học phí 30% mỗi năm khi ngân sách cắt giảm 20%. Năm học 2013-2014 mức thu học phí ở mức khoảng 1,4 đến 1,7 triệu đồng mỗi học sinh một tháng. "Với mức thu như hiện tại, nếu được công nhận trường chất lượng cao, ngân sách nhà nước cắt giảm 100% thì thu sẽ không đủ chi. Trong khi việc tăng học phí rất khó khăn, không thể thực hiện được do đời sống của người dân trong khu vực không cao", cô Dự nói và đề nghị trường chất lượng cao vẫn được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ toàn bộ quỹ tiền lương cho cán bộ giáo viên trong biên chế của nhà trường.
Theo cô Vũ Kim Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10, mặc dù nằm trên địa bàn người dân có mức sống tương đối cao, nhưng mức thu học phí 3,2 triệu đồng mỗi học sinh một tháng đã khiến nhiều gia đình chuyển trường cho con. Hiện nay, tổng số trẻ trong trường là 573 trong khi con số đề án đưa ra là 591. Như vậy, mức thu học phí thực tế bị giảm đi theo số trẻ năm 2015 là hơn 662 triệu đồng.
Cô Thanh cho biết, năm học 2014-2015, trường được cấp hỗ trợ kinh phí một lần gần 8,7 tỷ đồng, cộng với mức học phí thu từ học sinh, sau khi trừ các khoản chi, tiết kiệm được 1,6 tỷ đồng cho năm 2016. Vì vậy, nếu năm 2016, trường không được ngân sách cấp hỗ trợ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động chất lượng cao và chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Với những khó khăn nêu trên, hiệu trưởng các trường chất lượng cao không chỉ đề xuất nhà nước cấp kinh phí chi trả lương cơ bản cho giáo viên mà còn đề nghị có cơ chế hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức quản lý, phương pháp giáo dục hiện đại tại các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Các trường đang thực hiện thí điểm thì đề nghị được kéo dài thời gian thí điểm.
Là người đã trải qua những khó khăn khi mới chuyển sang mô hình trường chất lượng cao, cô Nguyễn Thị Nhiếp (Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú) đồng cảm trước những băn khoăn của đồng nghiệp. Theo cô, nếu trước kia được ngân sách nhà nước cấp 100% thì nay người quản lý phải suy nghĩ làm thế nào để có được tiền trang trải mọi công việc của trường. Nếu tăng học phí, nhiều phụ huynh sẽ chuyển con đi nơi khác.
Tuy nhiên, theo cô Nhiếp, hầu như trường đều lo lắng về nguồn ngân sách bị cắt mà chưa thấy lo lắng về đội ngũ giáo viên - yếu tố quan trọng nhất quyết định trường đó có đạt được chất lượng cao hay không. Và đây mới là điều cần khẳng định để tạo uy tín của trường đối với người dân.
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định, cần tạo ra sự khác biệt giữa trường giáo dục chất lượng cao và trường thường. Để đạt chuẩn theo tiêu chí UBND đưa ra, các trường học phải đạt chuẩn kiểm định mức độ 2, đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Giáo viên phải có chất lượng cao và cán bộ quản lý phải đầy tâm huyết, trách nhiệm và có trình độ, năng lực.
Việc các trường công lập đang quen với việc chỉ làm công việc chuyên môn thuần túy bây giờ tự chủ toàn phần về tài chính, ông Độ thừa nhận đó là bài toán khó khăn, vì vậy cần có lộ trình. "Chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng đắn nhưng tại sao nhiều phụ huynh chưa đồng thuận? Có phải là bởi học phí cao? Theo tôi tiền chỉ là một mặt, mặt thứ hai là phải biến tiền ấy thành chất lượng giáo dục, đấy chính là trách nhiệm của người làm quản lý", Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định.
Lan Hạ