Cùng với việc thiết lập trường Quốc Tử Giám vào năm 1803 ở ngay Kinh thành Huế, triều Nguyễn cũng tổ chức các khoa thi Hương, Hội, Đình để tuyển chọn nhân tài phục vụ đất nước.
Thời vua Tự Đức, kỳ thi Hương cho ngành văn được tổ chức vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu; kỳ thi Hội tổ chức vào các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Trong đó, kỳ thi Hương được tổ chức tại 7 trường, gồm: Thừa Thiên, Nghệ An, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Gia Định. Kỳ thi Hội nguyên có ba trường, sau cải thành bốn trường.
Vào thời nhà Nguyễn, những người tham gia kỳ thi Đình do vua ra đề và chấm thi, người đỗ đầu không được gọi là trạng nguyên mà chỉ được xướng danh là Đệ nhất giáp tiến sĩ.
Theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, triều Nguyễn rất hậu đãi những người đỗ đạt tiến sĩ. Ngoài việc tổ chức lễ truyền lô (xướng danh tiến sĩ) tại điện Thái Hòa, các tân tiến sĩ sẽ được tham dự yến tiệc, ban thưởng áo lụa vàng bạc, dạo phố vinh quy và ban chức quan. Các tiến sĩ được khắc tên vào văn bia dựng ở Văn Miếu để lưu danh thiên cổ.
Theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, dưới triều vua Tự Đức vào năm 1853, một lễ truyền lô được cử hành tại Ngọ Môn. Lễ rất long trọng, khi nghe tiếng súng lệnh, các quan văn võ phải tập trung trước Ngọ Môn cùng với tân tiến sĩ để nghe quan nội các đọc danh sách tân tiến sĩ ghi trong hoàng bảng. Sau khi lễ vua 5 lạy, các tân tiến sĩ sẽ cùng với thị vệ, bính lính rước hoàng bảng ra niêm yết tại Phu Văn Lâu trong tiếng mừng của ban nhã nhạc.
Sau 3 ngày, hoàng bảng sẽ được giao cho Quốc Tử Giám cất giữ, bảng Phó bảng giao cho Bộ Lễ lưu giữ.
Sau lễ truyền lô, triều đình nhà Nguyễn tổ chức thiết yến cho tân tiến sĩ. Yến tiệc có lúc được tổ chức ở công đường bộ Lễ, có lúc lại ở vườn Thư Quang. Bên cạnh yến tiệc, các tân tiến sĩ cũng được triều đình ban thưởng nhiều vật phẩm có giá trị như vàng bạc, lụa là.
Nói về yến tiệc mừng tân tiến sĩ dưới thời vua Tự Đức năm 1865, sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ lưu: Bộ Lễ dựng một dãy nhà tranh để làm nơi thiết yến. Ở gian chính giữa kính đặt một hoàng án vọng bái, các gian trái phải kê ghế và ván để ngồi cùng đặt bàn, có 50 binh lính sắp hàng mang súng để hộ yến. Các quan chấm thi, coi thi tham gia yến tiệc đầy đủ triều phục, các tân tiến sĩ đầy đủ áo mũ tề tựu nơi thiết yến.
Các viên Giám thí, Độc quyển, Duyệt quyển, Truyền lô cùng Tuần la và đường quan ngồi ở bàn yến thượng hạng, bốn người một bàn, mỗi bàn giá 5 quan tiền. Các viên Tuần sát, Kinh dẫn, Di phong, Thu chưởng, Ấn quyển, Điền bảng, Thư tả ngồi ở bàn yến hạng trung, bốn người một bàn, mỗi bàn giá 3 quan tiền. Các tiến sĩ đều dự bàn hạng trung. Với Đệ nhất giáp tiến sĩ thì 2 người một bàn, Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp tiến sĩ thì 4 người một bàn, mỗi bàn giá 3 quan tiền.
Kết thúc yến tiệc, các tân tiến sĩ sẽ được dẫn đi xem hoa tại vườn Thư Quang, Thường Mậu hoặc hồ Tịnh Tâm. Sau đó, các tân tiến sĩ sẽ được cấp 4 lính, ngựa dạo quanh Kinh thành và chọn ngày tốt lên Văn Miếu làm lễ thích điện.
Lễ dạo phố vinh quy thời vua Tự Đức (1865) được sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ ghi chép như sau: "Hai viên Kinh dẫn tân tiến sĩ đầy đủ áo mũ, lọng đen lên ngựa, 4 tên binh đinh đi theo ngựa đầy đủ quân phục từ cửa Chánh Đông đi ra ngắm hoa quanh các đường ngoài thành...".
Trước khi được bổ dụng vào các chức vị của triều đình, tân tiến sĩ sẽ được vinh quy bái tổ tại quê nhà, cả lúc đi và về trong vòng hai tháng, sau đó phải trở lại Kinh chờ bổ dụng.
Theo sách Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, thời vua Tự Đức 18 (1865), tiến sĩ Đệ nhất giáp cập đệ được cấp cho 2 phu mang cờ biển, 2 phu gánh võng, một phu mang đồ, tổng cộng 5 người; các Đệ nhị giáp, Đệ tam giáp tiến sĩ, Đồng tiến sĩ được cấp 2 phu mang cờ biển, 2 phu gánh võng, tổng cộng 4 người. Đến ngày tiến sĩ về quê, quan địa phương ở đó cũng xét điều động chừng một hay hai chục binh lính hộ tống về quê.
Các đời vua Nguyễn bổ nhiệm tiến sĩ vào chức quan khác nhau. Như thời vua Thiệu Trị, người đỗ Đệ nhất giáp cập đệ cho Hàm Hàn lâm viện tương tác, Đệ nhị giáp tiến sĩ thì bổ làm Tri phủ, Đệ tam giáp tiến sĩ thì thăng bổ Chủ sự, cho làm quyền tân Tri phủ; Phó bảng thì thăng bổ Tri huyện, cho quyền Đổng tri phủ.
Như Phan Thanh Giản (1796-1867) sau khi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ vào năm 1826 thời vua Minh Mạng, ông được triều Nguyễn bổ nhiệm lần lượt giữ các chức quan Hàn lâm viện biên tu, Lang trung Bộ Hình, Tuần phủ Quảng Nam. Đến thời vua Thiệu Trị, ông là Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1840), Phó đô ngự sử Đô sát viện (1847). Đến thời vua Tự Đức, ông lần lượt giữ chức Thượng thư Bộ Lại, sung Cơ mật đại thần, Kinh lược sứ Nam Kỳ, Hiệp biện đại học sĩ, Hộ Bộ thượng thư. Đây đều là những chức quan quan trọng trong bộ máy nhà nước của triều Nguyễn xưa.
Cùng với Phan Thanh Giản, nhiều nhà khoa bảng được triều Nguyễn trọng dụng như Tống Duy Tân, Nguyễn Thượng Hiền...
Kể từ lúc ra đời và kết thúc, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội, có 293 vị đỗ chánh bản (văn ban), 10 vị đỗ chánh bản (võ ban). Hiện nay, tại Văn Thánh Miếu còn hai dãy nhà bia với 32 tấm bia, khắc tên 293 vị tiến sĩ văn ban triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Võ Thạnh