Bài thơ "Thương ông" trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 1 đang gây xôn xao dư luận khi nhiều phụ huynh phát hiện bị cắt nối khác bản gốc và cả đoạn trích đã quen thuộc với bao thế hệ học sinh.
"Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà
Bước lên thềm nhà
Nhấc chân khó quá
Thấy ông nhăn nhó
Việt chơi ngoài sân
Lon ton lại gần
Âu yếm nhanh nhảu
Ông vịn vai cháu
Cháu đỡ ông lên
Ông bước lên thềm
Trong lòng vui sướng
Quẳng gậy cúi xuống
Quên cả đớn đau
Ôm cháu xoa đầu
Hoan hô thằng bé
Bé thế mà khỏe
Vì nó thương ông".
(Bài "Thương ông" trong chương trình sách giáo khoa cũ quen thuộc với bao thế hệ học sinh. Những đoạn in đậm đã bị cắt trong chương trình sách giáo khoa hiện hành).
Nhiều người tỏ ra bức xúc khi đọc bài thơ được "làm mới". Họ cho rằng bài thơ cũ đọc suôn sẻ, dễ nhớ và hay hơn. Bài mới cắt nối không theo quy luật nào nên khó nhớ.
"Tôi không hiểu tại sao phải cắt một số câu đi như thế. Bài thơ mới trúc trắc cả về vần điệu, thiếu hình ảnh thơ ca bóng bảy, khó nhớ, khó cảm nhận. Những đoạn bị cắt đi lại là phần thể hiện được rõ ràng nhất cảm xúc của người ông khi nhận được tình yêu thương của các cháu. Tóm lại, việc cắt nối làm hỏng cả bài thơ và mất đi hình ảnh đẹp tác phẩm muốn gửi đến người đọc về tình cảm yêu thương, thắm thiết của ông với cháu, cháu với ông", phụ huynh Nhữ Phong có con học lớp 3 nói.
"Hơn 40 năm rồi mà giờ tôi vẫn nhớ bài Thương ông. Đó là tác phẩm ngày trước tôi rất yêu thích. Giờ phải đọc bài thơ bị làm mới, tôi thấy buồn và băn khoăn người làm sách cắt một số câu có vần, ý nghĩa như thế để làm gì?", bà Vũ Thị Phương (50 tuổi) cho hay.
Việc thêm khổ cuối của bài gốc vào bài thơ trong chương trình mới của lớp 2, theo một số người là không phù hợp. Họ cho rằng sự trúc trắc, gây khó nhớ nhất trong bài mới nằm ở khổ thêm vào. "Học sinh lớp 2 còn thiếu kiến thức để có thể hiểu những ngôn từ trúc trắc như thế", phụ huynh Nhữ Phong nói.
Trái ngược với ý kiến trên, một số phụ huynh lại cho rằng, việc thêm khổ hay cắt nối như bài thơ mới cũng không sao vì không làm mất đi ý nghĩa của tác phẩm và học sinh vẫn thuộc được bài.
Quỳnh Trang